Sự nghiệp điện ảnh của Trương Nghệ Mưu trải dài hơn bốn thập niên, khởi đầu từ bộ phim Cao lương đỏ (1987) và mới nhất là Điều thứ 20 (2024).
Ông đã thử nghiệm nhiều phong cách, ngôn ngữ điện ảnh khác nhau để kể chuyện nhưng hầu hết đều tập trung vào một chủ đề cốt lõi: những cá nhân bé nhỏ trong sự va đập của cuộc sống và xã hội để tìm ra tiếng nói hoặc sự phản kháng của họ, cho dù đó là xã hội Trung Quốc thời cách mạng văn hóa hay bối cảnh xã hội đương đại, nơi sự phân biệt giàu nghèo ngày càng tăng, nhiều thân phận nhỏ bé bị chèn ép đến cùng quẫn, không lối thoát.
[related_posts_by_tax title=""]Vụ án “điển hình”
Điều thứ 20 (Article 20), một tác phẩm bi hài kịch kể ba câu chuyện đan xen xoay quanh bốn chữ “công bằng chính nghĩa” trong xã hội Trung Quốc hiện đại là bộ phim mới nhất của ông.
Đây là phim bi hài kịch, vừa có yếu tố tâm lý gia đình vừa kết nối với pháp luật thông qua ba vụ án có thật và từng gây tranh cãi về luật phòng vệ chính đáng của công dân để tự bảo vệ họ trước sự tấn công của kẻ ác.
Article 20 International Trailer
Phim dài tới 140 phút, tiết tấu nhanh và nhiều thoại, kéo khán giả vào một cuộc hành trình tìm lại công lý, hoặc ít nhất là tiếng nói của lẽ phải trước những điều sai trái, nhiễu nhương của xã hội hiện đại mà hầu hết chúng đều bị phớt lờ hoặc không được phân định đúng sai rõ ràng.
Hàn Minh (Lôi Giai Âm đóng) – là một công tố viên tuổi trung niên mẫn cán thường phối hợp cùng người đồng nghiệp, đồng thời cũng là bạn gái cũ của anh là Lục Linh Linh (Cao Diệp) để điều tra các vụ án mạng phức tạp nhờ sự ăn ý của cả hai, cho dù điều này gây ra những chuyện “cơm không lành canh không ngọt” với người vợ ghen tuông Lý Mậu Quyên (Mã Lệ).
Chất hài hước, đôi khi trào lộng của phim tập trung vào mối quan hệ giữa ba nhân vật này tạo nên những tiếng cười sảng khoái.
Rồi nhịp phim đột ngột chuyển sang bi kịch với một vụ án khá “điển hình” ở làng quê mà Hàn Minh và Linh Linh đang điều tra.
Một cặp vợ chồng nghèo vì vay tiền “nóng” của một kẻ giàu có trong làng để chữa bệnh cho đứa con gái 5 tuổi bị mắc khuyết tật câm điếc.
Vì không có tiền trả nợ nên cặp vợ chồng nghèo bị tên côn đồ đến nhà, vừa sỉ nhục, hành hạ người chồng Vương Vĩnh Cường (Dư Hòa Vĩ), xích cổ anh như chó, thậm chí còn bắt anh uống nước tiểu và vào nhà hãm hiếp người vợ câm điếc Hạo Tú Bình (Triệu Lệ Dĩnh) để trừ nợ.
Phẫn uất trước sự đốn mạt và đe dọa giết người của tên chủ nợ, người chồng dùng kéo đâm hàng chục nhát vào người tên côn đồ, khiến hắn phải sống thực vật trong bệnh viện.
Vụ án càng trở nên phức tạp khi người nhà gã côn đồ đến nhà bắt cóc đứa con và đe dọa Hạo Tú Bình phải ký vào tờ đơn nhận tội chồng cô giết người trong khi anh hành động để tự vệ.
Bị ép đến đường cùng và trong tình thế tuyệt vọng, Hạo Tú Bình chạy lên tầng cao của tòa nhà nhảy xuống để đánh động dư luận, tìm đường sống cho chồng con…
Trương Nghệ Mưu kể bi kịch nhói lòng
Đang chịu áp lực trước vụ án phức tạp chưa có hướng giải quyết thì Hàn Minh cũng đối mặt với vấn đề gia đình khi cậu con trai tuổi vị thành niên Hàn Vũ Thần (Lưu Diệu Văn), vì bảo vệ một bạn học bị bắt nạt ở trường nên đã đánh nhau với đám côn đồ, gây nên thương tích cho kẻ cầm đầu là con trai của một nhân vật có vai vế ở trường (Trương Dịch đóng).
Ông ta bắt bố mẹ và cậu con trai phải xin lỗi con trai mình, trong khi phớt lờ chuyện con trai ông là kẻ chuyên đi bắt nạt.
Hàn Minh động viên con trai nên nhận lỗi, dù vợ anh kiên quyết bảo vệ con trai và cho rằng con trai của họ không cần phải xin lỗi. Sự giằng co giữa đúng và sai này dẫn câu chuyện của các bậc phụ huynh đi xa hơn với nhiều tiếng cười châm biếm ý nhị.
Sự pha trộn khá tài tình giữa yếu tố bi và hài kịch xuyên suốt bộ phim, vừa tạo nên những tiếng cười vui nhộn trong các màn đối đáp hoặc những câu chuyện phiếm gia đình giữa vợ chồng Hàn Minh – Mã Lệ vừa tạo nên những bi kịch nhói lòng với câu chuyện của cặp vợ chồng nghèo bị dồn đẩy đến đường cùng hay câu chuyện một người cha theo đuổi vụ kiện đòi công lý dẫn đến tai nạn thương tâm.
Vì quyền tự vệ chính đáng
Với một kịch bản có nhiều tuyến truyện đan xen, ngoài tài năng kể chuyện của đạo diễn Trương Nghệ Mưu (cho dù đây là bộ phim ít đột phá nhất về mặt hình ảnh của ông), dàn diễn viên là điểm vượt trội khiến bộ phim nhận được sự đồng cảm của khán giả và làm nên thành công của bộ phim này.
Để nhập vai một người phụ nữ câm điếc và xuất hiện trên phim với tạo hình tơi tả, Triệu Lệ Dĩnh phải bỏ ra hơn hai tháng để học thủ ngữ của người khuyết tật và không ngại làm xấu mình với vẻ ngoài không nhận ra. Diễn xuất của cô cũng đáng khen ngợi trong những phân cảnh bi kịch.
Mượn “Điều luật thứ 20” trong bộ luật để nói về quyền tự vệ chính đáng của công dân trước cái xấu cái ác, Trương Nghệ Mưu lồng ghép khéo léo các câu chuyện pháp lý để vừa tạo được sức hấp dẫn cho kịch bản vừa tránh được những khiên cưỡng hoặc tuyên ngôn, cho dù ở trong một số cảnh, điều đó là không tránh khỏi.
Trong phân đoạn diễn ra phiên tòa ở cuối phim, Hàn Minh đã có một bài phát biểu dài trước tòa án để bảo vệ cho phạm nhân giết người vì quyền tự vệ chính đáng theo điều luật thứ 20.
Phân đoạn này, dù xuất sắc, ít nhiều gợi nhớ đến hình ảnh của những nhân vật người hùng luôn đứng lên bảo vệ công lý trong các bộ phim của Hollywood:
“Bộ luật của Cộng hòa nhân dân Trung Hoa, tổng cộng có 452 điều, từ đầu đến cuối không phải thể hiện bốn chữ “công bằng chính nghĩa” sao? Đây không phải là điều mà mỗi người dân cần sao? Nếu chúng ta không đứng lên đòi lại công bằng cho họ, vậy kiểm sát viên chúng ta có tác dụng gì?
Và anh chốt lại bằng một câu nói, có lẽ cũng là thông điệp sâu xa nhất của bộ phim:
“Pháp luật là thứ mà những kẻ phạm tội phải trả giá, chứ không phải khiến cho người tốt phải trả giá”.