Đạo diễn sử dụng một thứ ngôn ngữ điện ảnh tối giản, tự nhiên nhưng tinh tế, lịch lãm dẫn ta bước vào cuộc hành trình nội tâm của một nhân vật, khơi gợi lên những cảm thức siêu nghiệm về đức tin và sinh tồn của con người nói chung.
Phải chăng đó là lý do khiến bộ phim về một “Việt Nam không lẫn đi đâu được” chạm được vào một giải thưởng danh giá tại Liên hoan phim Cannes?
[related_posts_by_tax title=""]Trailer phim Bên trong vỏ kén vàng (Inside The Yellow Cocoon Shell)
Thiện và hành trình tìm lại đức tin
Bên trong vỏ kén vàng được phát triển từ bộ phim ngắn Hãy thức tỉnh và sẵn sàng, cũng từng tham dự và đoạt giải phim ngắn tại LHP Cannes vài năm trước.
Bộ phim dài 14 phút với một cú máy duy nhất, tái hiện lại một cách sống động quán nhậu đường phố ở một vỉa hè nào đó tại Sài Gòn.
Ở đó, có một bàn nhậu với ba gã thanh niên trẻ ưa triết lý vụn về cuộc đời, về đức tin, về cái chết… Và rồi tiếng va chạm của một vụ tai nạn xe máy xảy ra gần đó. Có kẻ hiếu kỳ chạy đi xem, có kẻ bình thản ngồi lại bàn nhậu.
Gã thanh niên ngồi lại bàn nhậu ấy là Thiện, nhân vật chính của Bên trong vỏ kén vàng. Và nạn nhân của vụ tai nạn xe máy gần đó là chị dâu tên Hạnh và đứa cháu trai tên Đạo của anh.
Phải một lúc sau, ở trong tiệm mát xa vui vẻ, Thiện mới nhận được tin chị dâu đã chết, còn đứa cháu trai bị thương nhẹ đang nằm trong bệnh viện.
Thiện cũng giống như vô số gã thanh niên ngoài kia, bỏ quê lên thành phố để mưu sinh và bị cuốn vào một cuộc chạy đua vô nghĩa của tiền bạc, tìm kiếm những niềm vui vụn vặt bằng những chầu nhậu chém gió vỉa hè và giải quyết sinh lý trong một tiệm mát xa “vui vẻ”.
Sự trống rỗng chán chường hiện lên trên gương mặt, trong giọng nói nhát gừng và thậm chí trong cả cách mà anh ta tận hưởng những lạc thú trong sự vô vị của nó.
Cái chết bất ngờ của chị dâu khiến Thiện phải thực hiện bổn phận đưa linh cữu của chị về quê an táng. Đó cũng là chuyến hành trình để tìm lại đức tin và sự cứu rỗi về mặt tâm hồn của anh.
Những tầng cảm xúc suy tưởng
Nhan đề của bộ phim chỉ hiện lên sau hơn 30 phút dẫn chuyện và mở ra một không gian hoàn toàn mới, một cánh rừng hùng vĩ chìm trong màn sương trắng bảng lảng.
Đấy là quê hương của Thiện, một xóm đạo Thiên Chúa giáo ở vùng Di Linh, Lâm Đồng. Đó cũng là nơi cuộc hành trình đi tìm lại đức tin, hay nói cách khác là linh hồn đã bị đánh mất, bắt đầu.
Với những cú máy dài miên man đầy chủ ý, camera chuyển động chậm hoặc tĩnh, Phạm Thiên Ân dẫn người xem bước vào một khí quyển điện ảnh đậm dấu ấn cá nhân của anh.
Một vùng đô thị ồn ào, náo nhiệt, hỗn tạp hiện lên ngồn ngộn với những chất liệu đời sống được quan sát, tái hiện tinh tường và chút hài hước ý nhị ẩn giấu đằng sau những đoạn hội thoại.
Một quán nhậu đêm ồn ào, tiệm mát xa “vui vẻ”, đường phố lướt thướt mưa với những người lao động lầm lũi được tái hiện thật như chính cuộc sống, mang lại một cảm giác gần gũi quen thuộc như ta từng chứng kiến.
Thế nhưng, khi bối cảnh vùng quê của Thiện được tiếp diễn trong hơn 2/3 thời lượng sau của bộ phim, không khí phim đã thay đổi hoàn toàn với những ẩn dụ và biểu tượng của tôn giáo, của đức tin trong sự sống động ngập tràn của âm thanh từ cuộc sống, từ thiên nhiên.
Vẫn với những cú máy dài và chuyển động chậm, nhưng với bối cảnh rộng lớn hơn, đạo diễn tạo ra những khoảng trống về không gian và thời gian để người xem tự do quan sát, chiêm nghiệm.
Với một dàn diễn viên chủ yếu là không chuyên, Phạm Thiên Ân vẫn tạo nên được những cuộc đối thoại đầy sinh động và tự nhiên như hơi thở, khơi gợi được những tầng cảm xúc hoặc suy tưởng về tâm hồn của nhân vật trước cơn sóng biến động của nội tâm.
Để rồi sau đó, trong chuyến hành trình đi tìm anh trai của Thiện, có những chuyển cảnh mang tính thanh lọc hay bừng ngộ, đối với nhân vật và đối với cả người xem.
Như con đường quanh co phủ đầy sương mù như trôi vào miên viễn trong buổi sớm mai rồi bị chói sáng bởi ánh đèn xe ngược chiều rồi kết lại bằng hình ảnh Thiện ngồi ăn phở tại một quán bên đường.
Hay cảnh Thiện lầm lụi cô độc bước trên con đường bùn lầy ướt đẫm mưa với camera rung lắc nhẹ, rồi chuyển sang cảnh một đàn bươm bướm trắng đậu trên một tán cây cổ thụ…
Đó là lúc Thiện cô độc nhất trong chuyến hành trình nội tâm của mình, nhưng cũng là lúc bên trong anh đang có một sự cựa quậy của “vỏ kén vàng”, nơi anh có một sự thức tỉnh về tâm hồn hay đức tin…
Mình là ai?
Bên trong vỏ kén vàng, phần nào đó, có chút liên tưởng đến những kiệt tác điện ảnh như Wild Strawberries của Ingmar Bergman (Thụy Điển); Eternity and a day của Theodoros Angelopoulos (Hy Lạp); hay gần đây hơn là Đêm tối cuối cùng ở địa cầu (Long day’s journey into night) của Bi Gan (Trung Quốc) – đều mượn một cuộc hành trình của một nhân vật trong cuộc khủng hoảng hiện sinh (bệnh tật, tuổi già, đối diện với mất mát hay những ám ảnh về quá khứ) của họ.
Và họ trôi dạt trong cuộc hành trình đó với những suy tư và hồi tưởng miên man giữa quá khứ và hiện tại, giữa cõi thực và cõi mơ, đôi lúc không có ranh giới giữa chúng. Họ không ngừng chất vấn nội tâm của mình trước những suy tư mang tính siêu nghiệm về cuộc đời: ta là ai, ta đến từ đâu và sẽ đi đâu khi cuộc đời kết thúc.
Hoặc nói như Phạm Thiên Ân trong cuộc trả lời phỏng vấn với người viết: “Tôi tin rằng tất cả chúng ta đều hướng về tinh thần để vượt qua sự hối hả của xã hội hiện đại bề ngoài. Dù tin vào Chúa hay không, người ta không tránh khỏi việc đặt câu hỏi: Mình là ai trong vũ trụ này?”.
“Slow” nhưng không hề khó xem
Đạo diễn Trịnh Đình Lê Minh chia sẻ: Giữa thế giới ngồn ngộn chất liệu, một điểm nhìn độc đáo có thể mang đến những hiệu ứng hình ảnh lạ lẫm và thú vị.
“Slow” nhưng không hề khó xem. Những cú máy dài vô hạn dẫn ta vào mê cung bất tận của sự kỳ thú.
Một bộ phim rất thú vị về dàn cảnh, xuất sắc về dàn diễn viên quần chúng, xuất sắc về chuyển động máy và lấy nét.
Mọi thứ ăn khớp, các cảnh luôn tương phản trong nhịp chậm chạp của đời sống.
Ba tiếng cùng Bên trong vẻ kén vàng chắc chắn là những trải nghiệm thuần chất điện ảnh.
Nếu ta không thường chọn “slow cinema”, chắc chắn phải chọn bộ phim thuần Việt này và thưởng thức nó ở rạp.
Cảm ơn Bên trong vỏ kén vàng
Nhà sản xuất, đạo diễn Phan Gia Nhật Linh nhận xét: Ba tiếng trôi qua trong sự từ tốn nhưng không hề chậm rãi, không hề khó hiểu mà ngược lại, lôi cuốn bởi sự thú vị và bất ngờ không ngừng trong cách kể chuyện bằng ngôn ngữ điện ảnh thuần khiết, tĩnh lặng với những cú máy dài khiêm tốn, với thứ âm thanh tràn ngập đời sống, với những câu chuyện kể tưởng chừng lãng đãng nhưng đều hướng về một điều duy nhất: Đức tin là gì?
Chỉ cần mọi người vượt qua cái ngưỡng “ôi phim Việt, phim nghệ thuật khó hiểu, phim dài ba tiếng” để đi ra rạp, mở lòng để đón nhận bộ phim, thì bạn sẽ được tận hưởng một phần thưởng.
Cảm ơn Bên trong vỏ kén vàng, vì một trải nghiệm điện ảnh Việt thuần khiết và đỉnh cao hiếm có.
Vì một Việt Nam rất thật và rất đẹp trên màn ảnh rộng.