Đạo diễn Nguyễn Vinh Sơn của 11 tập phim truyền hình Đất phương Nam chia sẻ riêng với Tuổi Trẻ tâm sự của ông về cả hai bộ phim: một phim vô cùng được yêu thích và phim còn lại đang đầy tranh cãi…
660 phút không thể dồn vào 90 phút
* Khi tiếp cận tiểu thuyết của nhà văn Đoàn Giỏi, ông có xác định mình sẽ tạo ra thế giới Đất phương Nam của phim bám sát nguyên tác gốc?
[related_posts_by_tax title=""]– Không, tôi đã bàn bạc khá nhiều với nhà văn Sơn Nam và thấy vùng đất phương Nam còn khá nhiều nhân vật độc đáo, nhiều sự kiện nổi cộm mang đậm nét vùng miền cần đưa thêm vào tác phẩm của nhà văn Đoàn Giỏi, như hoạt động của sân khấu cải lương thời kỳ đầu, vụ án Đồng Nọc Nạng, ông đạo Tưởng, bác Ba Phi…
Thêm bớt nhưng vẫn trung thành với nguyên tác, vì những thay đổi này đều nằm trong nguồn cảm hứng chính toát ra từ tác phẩm gốc: Những điều kỳ thú của vùng đất phương Nam.
* Đồng ý để có tiếp một phim chiếu rạp dựa trên cả tác phẩm gốc của nhà văn Đoàn Giỏi và tác phẩm truyền hình của ông (bao gồm các chi tiết ông đã tạo ra không có trong nguyên tác), ông có ngại sự hư cấu của đạo diễn bản phim mới?
– Chắc chắn phải có những ý tưởng mới nếu muốn làm lại cái cũ. Kết cấu của một phim điện ảnh khác hẳn phim truyền hình nhiều tập.
Thời lượng 660 phút (11 tập) không thể dồn vào 90 phút chiếu rạp. Cần lựa chọn đường dây nhân vật chính, lược bớt các nhân vật không tham gia tuyến truyện và thêm vào những nhân vật cần thiết. Các sự kiện kịch tính và các tình tiết cũng vậy.
Nói chung, đạo diễn bản phim mới cần xác định góc nhìn riêng của mình khi nghiên cứu tác phẩm gốc, lựa chọn những chất liệu có sẵn cần thiết và thêm vào những gì còn thiếu.
Việc phim Đất rừng phương Nam chọn cặp nhân vật bé An và Út Lục Lâm làm đường dây dẫn chuyện khiến phim hấp dẫn, sinh động và nhiều ý nghĩa.
* Thời lượng của một phim chiếu rạp, các yếu tố ngôn ngữ điện ảnh rất khác với truyền hình, theo ông có là áp lực với đạo diễn bản phim rạp?
– Sử dụng những chất liệu đã có của một phim truyền hình nhiều tập để làm thành một phim điện ảnh đòi hỏi một quá trình nỗ lực sáng tạo của đạo diễn và sẵn sàng đón nhận những đánh giá so sánh của người xem. Áp lực lớn hơn làm một phim remake.
Tôi vẫn thường nói vui: phim truyền hình và phim điện ảnh là anh em sinh đôi khác cha khác mẹ. Cùng một gốc nhưng hình thái khác nhau.
Phim “hương xưa” khác phim lịch sử
* Những tranh cãi về yếu tố lịch sử chứng tỏ rất đông khán giả quan tâm, yêu quý tác phẩm của nhà văn Đoàn Giỏi lẫn bản phim truyền hình Đất phương Nam. Là tác giả của Đất phương Nam, ông có tâm sự gì?
– Phim Đất phương Nam và Đất rừng phương Nam là loại phim xưa (period film) đúng hơn là phim lịch sử (historical film).
Yếu tố hương xưa (nostalgia) với những tình cảm hoài niệm về nếp sống, văn hóa, xã hội của một vùng đất trong một giai đoạn xa xưa nào đó tạo nên sức hấp dẫn chính cho người xem hiện đại.
Những sự kiện lịch sử nếu có cũng chỉ làm nền cho cuộc sống các nhân vật. Người làm phim cần nhận rõ sự khác biệt này để xây dựng câu chuyện.
* Thường các phim hay làm phim thứ nhất (hoặc thứ hai), rồi mới quay lại làm tiền truyện (lý giải các yếu tố đã xảy ra ở phim đầu tiên). Đất rừng phương Nam chia sẻ từ trước khi quay là sẽ làm nhiều phần, vậy phần đầu tiên có phải chính là tiền truyện?
– Điều này tôi nghĩ không nhất thiết phải theo một công thức nào cả. Thường sau khi phát hành một phần phim, hay một mùa (season) phim truyền hình, các nhà làm phim thăm dò thật kỹ dư luận người xem.
Được gì và còn thiếu gì? Khán giả chờ đợi gì? Và cứ thế các phần phim hoặc mùa phim tiếp tục được sản xuất.
Như phim Đất rừng phương Nam muốn làm phần hai chẳng hạn, nếu cần sẽ chỉ giữ nguyên cảm hứng từ tác phẩm văn học gốc, còn các tình tiết có thể thay đổi để đáp ứng yêu cầu của người xem.
* Ông quay Đất phương Nam 30 năm trước, ông có thể chia sẻ những cái sướng lúc đó? Nếu được mời thực hiện lại phim này trong thời buổi hiện tại, ông có dám nhận lời không?
– Cái sướng của tôi lúc đó là Hãng phim TFS tạo điều kiện tốt nhất cho đoàn phim: nhân sự, máy móc, kinh phí… như cho một đứa con đầu lòng của hãng.
Cái sướng thứ hai là bối cảnh nhà cửa làng mạc chưa thay đổi nhiều so với bối cảnh chuyện phim. Nhà lá, cầu khỉ, xuồng ghe… sẵn có, xoay ống kính vào đâu cũng không bị vướng.
Cái sướng thứ ba là nhân sự, từ diễn viên cho tới thành phần đoàn phim chưa chạy sô nhiều, toàn tâm toàn ý cho công việc.
* Cảm ơn ông đã chia sẻ.
Đạo diễn Nguyễn Vinh Sơn sinh năm 1953 tại Quảng Trị.
Tên tuổi ông gắn liền với phim truyền hình kinh điển Đất phương Nam, và phim điện ảnh đáng nhớ như Tuổi thơ dữ dội, Trăng nơi đáy giếng – Bông sen bạc cho phim truyện điện ảnh tại Liên hoan phim Việt Nam 2009 và giải Cánh diều bạc 2009.
Không chỉ là nhà làm phim, Nguyễn Vinh Sơn còn là người cha, người anh, người chú, người thầy… trong một đại gia đình có nhiều thế hệ người làm điện ảnh của Việt Nam.