Nhìn lại các chương trình truyền hình giải trí đã và đang phát sóng trên màn ảnh nhỏ Việt, không thiếu những trường hợp quảng cáo lố tương tự.
“Quảng cáo lố quá trời lố”
Ở tập 41 mới nhất, “2 ngày 1 đêm” đưa các sản phẩm quảng cáo tràn ngập. Tình tiết thì nhạt nhẽo.
[related_posts_by_tax title=""]Cụ thể, chương trình đưa thử thách cho Lê Dương Bảo Lâm, Kris Phan đi lấy thức ăn sáng bằng cách phải đi một hành trình dài, rồi vất vả leo lên tận ngọn hải đăng. Cuối cùng, sản phẩm nhận lấy chỉ đơn giản là gói lẩu tự sôi ăn liền – sản phẩm quảng cáo. “Xem xong thấy lố quá trời lố”, khán giả nhận xét.
Rồi cảnh lố không kém khác là hình ảnh các nữ nghệ sĩ khách mời cứ ngửi ngửi, hít lấy hít để cánh tay của các nghệ sĩ nam rồi khen lấy khen để mùi hương còn vương lại trên cánh tay của họ sau khi xịt một loại sản phẩm khử mùi của nam – cũng là mặt hàng quảng cáo.
Mà không chỉ có “2 ngày 1 đêm”, “Chị đẹp đạp gió rẽ sóng” cũng tràn ngập sản phẩm quảng cáo ngay từ tập 1. Nào là một loại son mà người chơi nào cũng cầm, đánh lên môi và khen. Nào là điện thoại chụp hình, thẩm mỹ viện làm đẹp cho các chị đẹp…
Chương trình “Có hẹn cùng thanh xuân” quảng cáo một loại sữa. Các nghệ sĩ mỗi tập đều được uống sữa. Bàn ăn trưa tối cũng có hình ảnh sữa, như một cách tăng cường sức khỏe sau khi tham gia các trò chơi vận động hoặc mệt mỏi. “Rap Việt” thì xuất hiện nước ngọt, bánh snack… ở nhiều nơi.
Cần ý tưởng thông minh
Theo các nhà sản xuất, một chương trình giải trí hiện có hai cách sản xuất. Một là bỏ kinh phí thực hiện các tập rồi thu lại từ nguồn quảng cáo khi chương trình phát sóng. Cách làm này phù hợp với những chương trình nhỏ và vừa.
Cách thứ hai là tìm kiếm các công ty tài trợ để được đầu tư kinh phí sản xuất. Có rất nhiều hình thức nhà sản xuất phải trả lại quyền lợi cho nhà tài trợ. Và một trong những quyền lợi ấy là đưa sản phẩm quảng cáo lồng ghép vào nội dung chương trình.
Trong tình hình kinh tế khó khăn hiện nay, hầu hết các chương trình truyền hình thực tế quy mô đều cần sự đầu tư lớn. Không có nhà tài trợ thì không thể sản xuất chương trình được. Quảng cáo xen vào nội dung vì vậy cũng ngày càng phổ biến.
Bên cạnh đó, chương trình vừa sản xuất vừa phát sóng đều có bộ phận tiếp nhận nhãn hàng mới đăng ký quảng cáo vào nội dung. Tùy theo tình hình, bộ phận biên tập sẽ viết, chỉnh sửa kịch bản phát sinh, đưa sản phẩm mới vào nội dung sao cho hợp lý.
Phần lớn khán giả đều thông cảm việc các game show lồng ghép quảng cáo vào nội dung bởi ai cũng hiểu có quảng cáo mới có nội dung hay để xem.
Nhưng xem các game show giải trí hiện nay, dễ dàng nhận ra dường như quảng cáo đang dắt các chương trình này đi. Điều này khiến tiêu chí ban đầu đang dần bị nhạt nhòa.
Như “2 ngày 1 đêm”, các tập gần đây đã không còn nhiều yếu tố về văn hóa cảnh đẹp vùng miền Việt Nam nữa mà chủ yếu là chơi các trò chơi trong một resort.
Các nghệ sĩ thì liên tục tung hứng biểu diễn tiểu phẩm với những hành động, những lời thoại khen nức khen nở những sản phẩm quảng cáo. Xem ra với lượng nghệ sĩ đông đảo quảng cáo như vậy thì nhãn hàng khá là lời.
Quảng cáo sản phẩm vào nội dung rõ ràng có lợi cho nhà sản xuất, nhà tài trợ. Nhưng khán giả lại là người phải chịu hậu quả khi quảng cáo tràn vào nội dung quá nhiều.
Điều rõ thấy nhất là người xem cảm giác mình bị lừa dối bởi ranh giới phân chia chương trình nội dung và quảng cáo không rõ ràng. Quá là buồn khi xem chương trình mà giống như đang xem buổi bán hàng online.
Một nhà sản xuất chương trình không nêu tên cho biết: “Thường một chương trình để lấy được tiền tài trợ sẽ phải bàn bạc kỹ với nhà quảng cáo để xem quảng cáo ấy xuất hiện khi nào, thời lượng bao nhiêu.
Thật sự có những nhãn hàng gây sức ép để đơn vị sản xuất làm theo dù biết là nó lố và vô lý. Vì vậy, cái cần ở đây là nhà sản xuất phải có những ý tưởng thông minh, để lúc lên hình không bị phản cảm”.
Quảng cáo Product Placement (PPL) là một phương thức quảng cáo trong đó một sản phẩm hoặc thương hiệu xuất hiện một cách tự nhiên trong các phương tiện truyền thông như phim ảnh, chương trình truyền hình, video âm nhạc, trò chơi điện tử và các nền tảng trực tuyến.
Hình thức quảng cáo này không mới mẻ. Tại Hàn Quốc, quảng cáo lồng ghép nhiều trong các phim truyện, chương trình truyền hình và cũng thường xuyên bị khán giả Hàn phản ứng gay gắt vì quá nhiều và quá lố.