Nhạc sĩ, nhạc trưởng Đỗ Dũng là giám đốc đầu tiên của dàn nhạc này khi thành lập vào những năm 1980. Ông mới mất hồi 19-5.
Concerto Bất khuất được ông Đỗ Dũng sáng tác trên những nét giai điệu gốc từ nhạc phẩm nổi tiếng Tình ca của nhạc sĩ Hoàng Việt.
[related_posts_by_tax title=""]Trong Đêm nhạc các tác giả Việt Nam, nghệ sĩ Hsin-Chiao sẽ chơi tác phẩm này của nhạc sĩ Đỗ Dũng.
Đêm nhạc của tác giả Việt Nam
Hsin-Chiao là nghệ sĩ tài năng gốc Đài Loan, từng biểu diễn ở nhiều phòng hòa nhạc nổi tiếng cũng như tham dự các festival danh giá trên thế giới.
Cô là vợ nghệ sĩ Phan Đỗ Phúc, hai người quen nhau lúc học tiến sĩ ở Mỹ. Từ năm 2021, Hsin-Chiao bắt đầu sinh sống và hoạt động âm nhạc tại Hà Nội.
Ngoài Đỗ Dũng, Đêm nhạc các tác giả Việt Nam sẽ trình diễn các tác phẩm của các tác giả Việt Nam nhiều thế hệ.
Trong đó, Phó Đức Hoàng và PQ Phan sẽ lần đầu tiên giới thiệu tác phẩm, lần lượt là Lập xuân và Violin Concerto.
Theo thông tin từ Dàn nhạc giao hưởng Việt Nam, trong Lập xuân, Phó Đức Hoàng tiếp thu nhiều phong cách âm nhạc khác nhau để tái hiện những ký ức và trải nghiệm trong quá khứ của mình về mùa xuân.
Đặc biệt, nhạc sĩ khai thác nhiều thang âm ngũ cung phương Đông theo cách đặc thù và mở rộng âm hưởng bằng các thủ pháp quang phổ âm thanh.
Nhạc sĩ Trần Mạnh Hùng mang Aria Đàn bầu trở lại. Tác phẩm được Trần Mạnh Hùng chuyển soạn từ một khúc ca của nhân vật Anio trong vở opera Princess Anio (Công nữ Atonio), kể về câu chuyện tình yêu có thật giữa công nữ Ngọc Hoa (Anio) từ Hội An, Việt Nam và chàng thương nhân Araki Sotaro đến từ Nagasaki, Nhật Bản cách đây khoảng 400 năm, vào đầu thời kỳ Edo của Nhật Bản.
Một lần, nghe tiếng đàn bầu vang lên nơi quê chồng, nàng xúc động, nhớ về cha mẹ.
Trong tác phẩm này, tiếng đàn bầu được hòa quyện với âm thanh từ dàn nhạc giao hưởng…
Trong Đêm nhạc các tác giả Việt Nam, nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân sẽ giới thiệu tới công chúng bản Rhapsody Việt Nam.
Ông sáng tác tác phẩm này khi đang tu nghiệp tại Nhạc viện Tchaikovsky (Nga) và từng đoạt giải nhì cuộc thi sáng tác của các nhạc sĩ Liên Xô cũ năm 1985.
Ở bản rhapsody này, Đỗ Hồng Quân đã vận dụng những chất liệu âm nhạc dân gian để chuyển thể cho dàn nhạc giao hưởng.
Tác phẩm có bốn phần, theo thăng trầm của lịch sử, nói về vẻ đẹp hùng vĩ và trữ tình của Tổ quốc.
Rhapsody Việt Nam từng được diễn nhiều nơi trong và ngoài nước (Nhật, Đức, Nga…) với các dàn nhạc khác nhau.
Đêm nhạc toàn tác giả Việt Nam sẽ do nhạc trưởng người Nhật Honna Tetsuji dẫn dắt. Ông là giám đốc âm nhạc, chỉ huy chính Dàn nhạc giao hưởng Việt Nam.
Sự kiện còn có sự tham gia biểu diễn của nghệ sĩ violin Chương Vũ và nghệ sĩ đàn bầu Lệ Giang.
Không phải là hòa nhạc thông thường
Nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân chia sẻ với Tuổi Trẻ Online, nền âm nhạc chuyên nghiệp Việt Nam luôn hướng tới việc phát triển một nền âm nhạc hoàn chỉnh, ở cả hai bộ phận là thanh nhạc và khí nhạc.
“Khí nhạc Việt Nam so với thế giới còn non trẻ, được tính từ đầu những năm 60 của thế kỷ trước.
Tới hiện tại, nhờ công lao của các nhạc sĩ Việt Nam nhiều thế hệ, chúng ta đã có một nền khí nhạc chuyên nghiệp”, ông Đỗ Hồng Quân nói.
Ông kể ra một số cái tên như Đỗ Nhuận, Nguyễn Xuân Khoát, Đàm Linh, Nguyễn Văn Thương, Nguyễn Đình Tấn…
Tuy nhiên theo nhạc sĩ, “chúng ta vẫn còn nhiều việc phải làm trên con đường phát triển đó”.
Trong Đêm nhạc các tác giả Việt Nam, nhạc trưởng Honna Tetsuji đã chọn 6 tác phẩm của các tác giả thuộc nhiều thế hệ khác nhau.
“Đây không phải là một sự kiện hòa nhạc giao hưởng bình thường mà còn là đêm ghi dấu sự trưởng thành của nhạc sĩ Việt Nam trong lĩnh vực khí nhạc”, ông Quân nói.