Sau Doraemon, một phim ngoại lại đứng đầu phòng vé Việt sau Lật mặt 7. Đó là Gia tài của ngoại (How to make millions before grandma dies), phim Thái Lan có chủ đề gần gũi với Lật mặt 7 của Việt Nam: chuyện con cháu phụng dưỡng bà khi tuổi cao sức yếu.
Không phải ngẫu nhiên mà hai trong số những bộ phim gây sốt phòng vé Thái Lan và Việt Nam nửa đầu năm 2024 đều là phim về gia đình và có chung một chủ đề như vậy.
[related_posts_by_tax title=""]Chủ đề này có thể coi là “quốc dân”, gợi đồng cảm với mọi gia đình.
Phụng dưỡng cha mẹ già, chuyện của mọi gia đình
Gia tài của ngoại và Lật mặt 7 có cách đặt vấn đề giống nhau. Người mẹ già lâu nay sống ổn một mình, nhưng đến một ngày bà bị tai nạn hoặc bệnh nặng, cần con cháu ở cạnh chăm sóc. Điều này mở ra toàn bộ câu chuyện: ai chăm sóc, ai chia sẻ trách nhiệm?
Trailer phim Gia tài của ngoại
Cả hai phim đều có cảnh những người con tranh cãi xem ai sẽ chăm sóc mẹ.
Ở Lật mặt 7, vì mỗi người con ở một nơi, họ bàn xem ai phải về sống bên mẹ hoặc đón mẹ về nhà mình. Ở Gia tài của ngoại, do tất cả đều sống cùng một thành phố, họ bàn xem ai sẽ phải bỏ công việc đưa mẹ đi hóa trị định kỳ.
Cả hai phim đều có cảnh người mẹ tủi thân khi nghĩ về những ngày cô quạnh, ngồi ăn cơm một mình sau kỳ nghỉ lễ tết, khi các con đã đi khỏi nhà.
Cả hai phim đều có cảnh người mẹ vào viện dưỡng lão vì không muốn phiền các con phải chăm sóc mình lúc đau yếu.
Ở cả hai phim, những người con đều có hoàn cảnh khá giống nhau. Người anh cả sung túc nhưng bận rộn và hay cau có. Người chị thứ hai làm mẹ đơn thân, cuộc sống vất vả. Người em út gặp khó khăn kinh tế…
Tất cả những người con đều bận rộn mưu sinh nên vì nhiều lý do, không thể kề cận chăm sóc mẹ hay dành nhiều thời gian cho mẹ như người già mong muốn.
Những điểm giống nhau này không có gì để gọi là sao chép bởi những câu chuyện như vậy, gia đình như vậy có thể tìm thấy ở bất cứ đâu. Gia tài của ngoại và Lật mặt 7 cũng đều ra mắt trong tháng 4-2024.
Hai bộ phim cũng có cách tiếp cận khác nhau, cái kết khác nhau, để lại thông điệp khác nhau cho cùng một câu chuyện về gia đình.
Gia tài của ngoại độc đáo trong chủ đề quen thuộc
Dù cốt truyện quen thuộc, Gia tài của ngoại lại có cách tiếp cận mới mẻ.
Phim không được kể qua góc nhìn của người mẹ già hay những đứa con, mà lại qua góc nhìn của người cháu trai tên M (diễn viên Putthipong Assaratanakul hay còn gọi là Billkin đóng).
M vốn lông bông, thất bại với nghề streamer game và không việc làm. Lâu nay, cậu cũng chẳng hề quan tâm bà ngoại mà chỉ định chăm sóc bà để được thừa kế căn nhà.
Hướng tiếp cận hài hước nhưng chua xót của Gia tài của ngoại khiến phim rẽ hướng mới mẻ. Không chỉ giải quyết chuyện “ai phụng dưỡng mẹ” hay “mẹ chia tài sản cho ai”, phim còn phản ánh nhiều vấn đề sâu xa hơn.
Đó là sự cô đơn của người già trong một xã hội phát triển. Mui, cô em họ của M và là người được thừa kế một căn nhà nhờ chăm sóc người ông quá cố, nói với anh rằng điều người già cần nhất lại là điều con cháu không thể cho họ: thời gian chất lượng ở cạnh nhau.
“Anh còn ngửi thấy mùi người già là chưa đủ. Anh phải ở bên cạnh bà lâu đến mức không còn ngửi thấy mùi gì lạ nữa” – Mui nói.
Đó là việc nhiều con cháu không chịu lao động chân chính mà cứ trông mong vào những khoản thừa kế, khiến tuổi trẻ của họ trôi qua uổng phí.
Đó là khi mẹ về già, con cái coi việc thăm hỏi hay chăm sóc chỉ là nghĩa vụ “phiền phức” mà không nghĩ nhớ việc mẹ đã hết lòng chăm lo, từ bỏ nhiều thứ quý giá vì mình.
Đó là thói thực dụng. Khi các thành viên trong nhà bắt đầu tranh nhau chăm mẹ, họ cũng bộc lộ mục đích là đều muốn thừa kế căn nhà.
Hành trình của M trong phim khiến nhiều người đồng cảm vì trong quá trình ở cùng bà, tâm sự và chăm sóc bà, cậu nhận được nhiều giá trị không thể đo đếm bằng tiền.
Để trả lời cho câu hỏi tiêu đề, Gia tài của mẹ và Lật mặt 7 không phải là phiên bản Thái Lan hay Việt Nam của nhau.
Đơn giản là chủ đề này quá phổ biến ở nhiều nền văn hóa, đặc biệt là gia đình Á Đông, nên nhà làm phim đã tìm cách kể câu chuyện sao cho mọi khán giả tìm thấy mình trong đó.