Có thể điểm danh loạt ban nhạc rock trẻ tiềm năng của nhạc Việt nhận được sự yêu mến của khán giả thời gian gần đây như Lý Bực, Rắn Cạp Đuôi, Chú Cá Lơ, Những đứa trẻ, Nghịch, mối, Giấy Gấp, The Flob, Raditori, 7Uppercuts, Mèow Lạc, Poseidose, District 105, DumbassKiz (tên trước đó là The Bakeries)…
Trong đó có những ban nhạc đã ra “sáng”, biểu diễn ở những sân khấu lớn, ra EP/album phòng thu; cũng có cả những ban nhạc đang tầng ngầm, đang chơi nhạc trong bóng tối với những thanh âm của ước mong.
[related_posts_by_tax title=""]Rock nay đã “khác bọt”
Một điểm dễ nhận ra, so với các đàn anh đi trước (thế hệ Bức Tường, Gạt Tàn Đầy, Microwave, Thủy Triều Đỏ, Ngũ Cung, Da Vàng, Atmosphere…), rock trẻ hiện phân hóa rất đa dạng với nhiều dòng, nhánh khác nhau và cũng “khác bọt” đi nhiều.
Bên cạnh những ban nhạc thiên về thể nghiệm (như Rắn Cạp Đuôi) hoặc gần với chất hard rock, metal rock, heavy rock “máu lửa” mà người ta thường thấy khi nhắc đến rock (như Poseidose, District 105, DumbassKiz, Nghịch…) thì nhiều ban nhạc gen Z hiện tại có xu hướng ngày càng pop hóa, “pha loãng” rock với những thể loại khác cho dễ nghe nhằm tiếp cận thêm khán giả (alternative rock, pop rock…).
Phạm Đức Hoàng (ban nhạc mối) chia sẻ về cơ bản, nền công nghiệp âm nhạc đã chuyển biến sang việc phát hành số.
Mô hình ban nhạc tự sáng tác – tự chơi nhạc này đang ngày càng được ưa chuộng trên mạng, cùng với đó xuất hiện thêm nhiều cộng đồng người chơi/nghe nhạc, đem đến những sản phẩm càng ngày càng chất lượng, chỉn chu hơn.
Song theo Hoàng, chất liệu âm nhạc của rock trẻ lẽ ra có thể đa dạng hơn hiện tại nhiều. Hoàng dẫn trường hợp ban nhạc Ngọt “đã làm rất tốt trong việc phát triển rock theo hướng ngày càng đa dạng, tiếc là họ đã tan rã”.
Năm ngoái, khi phát hành album Những bài hát giống nhau, Chú Cá Lơ nói về sự xuất hiện của họ nhằm “xóa bớt đi định kiến về cái gọi là nhạc rock, là sự kết hợp giữa gen X và gen Z: bớt ầm ĩ một tí, và không quá ngọt ngào như âm nhạc xung quanh”.
Lý Bực – Tàn Tích feat. Thỏ Trauma (Official Visualizer)
Thành viên Nguyễn Hải Hà bày tỏ với Tuổi Trẻ: trước đây, nhạc rock thường mang màu sắc triết lý quá cao hoặc âm thanh ầm ĩ, chát chúa. Chú Cá Lơ muốn làm một thứ nhạc rock “thân thiện” hơn.
Hải Hà nhận xét phần lớn các ban nhạc rock hiện đã tự pop hóa để mở rộng khán giả của họ.
Sự “hòa nhập” đó “tương đối dễ chịu nhưng nói một cách sòng phẳng thì phần pop chiếm tới hơn một nửa”.
Lời lẽ, giai điệu của nhạc rock giờ khá dễ nhớ.
Guitar điện – thứ âm thanh thân thiện nhất mà nhiều tín đồ rock trước đây gắn bó – thì nay có khi nhường chỗ cho những nhịp trống, piano, keyboard…
Hoàng Nhân (ban nhạc Giấy Gấp) kể tên gọi ban nhạc một phần bắt nguồn từ nghệ thuật gấp giấy origami của Nhật Bản.
Muốn gấp gì thì gấp, muốn gấp màu gì thì gấp màu nấy. Đó là lý do Giấy Gấp chọn alternative rock đầy tự do và ngẫu hứng để đi, không bị những quan điểm cũ về rock ràng buộc.
Rock có còn gì là rock?
Câu hỏi này nghe quen. Tín đồ yêu rock (tạm gọi là thủ cựu) chắc chắn sẽ giãy nảy lên: “Rock khác bọt, rock có còn là rock?”, “Pop hóa rock, pha loãng rock, phá nát rock còn gì?”…
Phạm Đức Hoàng nhận xét: sự “nặng” hay “nhẹ” hay “pha” của một nhánh thể loại rock không làm nó thấp kém hay cao sang hơn các nhánh khác.
“Xu thế âm nhạc luôn thay đổi theo thời gian. Nó cũng chịu ảnh hưởng từ hoàn cảnh, tính cách, hay rộng hơn là môi trường sinh sống và nền tảng văn hóa của người sáng tác lẫn khán giả”, thành viên của mối nói.
Theo Hoàng, việc rock không còn giống với nguyên bản thực chất làm cho nó đa dạng, nhiều màu sắc hơn chứ không làm thể loại này “mất chất” như nhiều người đang lo lắng.
Hoàng Nhân nhận định rock không “tự giới hạn” chính nó. Và biết đâu, nó không giống như cách chúng ta vẫn nhìn/mặc định về nó.
Với thành viên của Giấy Gấp, rock ở đây là tinh thần, sự nhập cuộc của người chơi. Sự hầm hố, gào thét, ầm ĩ là rock; và sự trầm lắng, nhẹ nhàng cũng là rock. Không có cảm xúc nào hơn cảm xúc nào cả.
Hà Nguyễn chia sẻ thêm Chú Cá Lơ làm nhạc hướng tới niềm vui cho khán giả, mang đến sự gần gũi, thân thiện và bớt định kiến mà lâu nay người ta vẫn nghĩ về nhạc rock.
Ban nhạc này muốn thử nghiệm nhiều hơn nhưng dù dùng chất liệu nào thì vẫn giữ nguyên quan điểm “để giải trí, để vui vẻ, mang lại sự lạc quan cho mọi người”.
Tay trống Tô Ra – cô gái gen Z hiếm có của nhạc Việt
Trên thế giới, dẫu không nhiều nhưng vẫn có những “tay trống sát thủ” mang khuôn mặt phụ nữ. Sự hiện diện, đam mê và “máu lửa” của họ đã phá vỡ bức tường định kiến giới trong lĩnh vực tưởng chừng bị nam giới thống trị.
Ở Việt Nam, nữ giới xuất hiện trong các ban nhạc rock không nhiều, nữ chơi trống càng hiếm. Hiện nổi lên Tô Ra (sinh năm 1999) – thành viên của ban nhạc Mèow Lạc. Cô cũng là tay trống nữ gen Z duy nhất của nhạc Việt ở thời điểm hiện tại.
Ngoài ra, có thể kể thêm hai “rocker nhí” Hoàng Ngọc Khánh Băng và Trần Hoàng Hiền Minh – hai tay trống thuộc gen Alpha – đến từ Sóc band.
* Cơ duyên nào đưa Tô Ra đến với trống?
– Năm lớp 12, tôi muốn học một cái gì đó nhưng không biết thích cái gì. Khi đến Trường đại học Văn hóa Nghệ thuật quân đội hỏi, các cô ở phòng đào tạo bảo môn trống đang ít người học nên tôi đã quyết định học thử, sau đó thành một trong ba sinh viên học nhạc cụ phương Tây ở đây.
* Bạn tìm thấy ở trống một sự đồng cảm ra sao?
– Có thời điểm, tôi chỉ thích nghe mỗi tiếng trống. Nó cứ văng vẳng trong đầu. Thật khó nói cụ thể vì sao nhưng có cảm giác được xả stress ghê lắm. Sướng. Hơn nữa con gái mà chơi trống thì ngầu quá ngầu!
* Chơi trống đòi hỏi thể lực nên không nhiều bạn nữ mặn mà. Tô Ra có lẽ là “của hiếm” của nhạc Việt đấy. Bạn cao bao nhiêu, nặng bao nhiêu?
– Đúng là chơi trống đòi hỏi thể lực và cũng phải kiên trì mới theo được. Đó là nhạc cụ không phải ngày một ngày hai chơi mà thành ngay, phải khổ luyện vất vả. Còn Tô Ra, chị cứ ghi 1,52m giúp cho oách, nặng 46kg. Nhìn bé vậy nhưng nhanh lắm nhé.
* Thoạt nghe có vẻ như trống nam tính, mạnh mẽ. Nhưng sau những hồi âm thanh ầm ào, nhức nhối inh tai vang lên, sự êm dịu của trống có gì quyến rũ?
– Giống như cảm giác đi qua một cơn bão nhưng siêu nhẹ nhõm, siêu chill.
* Theo Tô Ra, âm nhạc nói chung và nhạc cụ trống nói riêng có phân biệt giới trong đó không?
– Mỗi người đều có thể tạo ra một tiếng trống khác nhau của riêng mình. Vì thế, nó không phân biệt gái hay trai đâu.
* Tiếng trống vang lên từ lồng ngực của bạn như thế nào?
– Tôi nghĩ tôi đang tạo ra một tiếng trống tốt.