Một con vịt là video nhạc Việt đầu tiên đạt 1 tỉ view – đây là thông tin thú vị. Tràn ngập các fanpage là những bình luận như:
“Bé nhà mình góp hàng trăm view”, “Một lượt xem là nửa bát cháo”, “Mỗi bữa ăn 20, 30 view, ngày 3 bữa cứ thế cộng lại”, “Còn đẻ còn tăng view”…
[related_posts_by_tax title=""]Các bậc cha mẹ vui vẻ khoe con là “chuyên gia cày view”, là “thế lực nhí” đứng sau Một con vịt và những video tương tự như Con cào cào, Hai bàn tay của em, Bống bống bang bang, Baby Shark, Wheels on the Bus…
Nhưng việc trẻ em phụ thuộc chuyện ăn uống vào video nhạc thiếu nhi trên YouTube, và nay là TikTok, vẫn luôn gây tranh cãi trong xã hội.
Video nhạc thiếu nhi “hot” trên toàn thế giới
Dựa trên tính chất đều là nhạc thiếu nhi và lựa chọn video hàng đầu khi cho con ăn của cha mẹ, MV Một con vịt có thể coi là “Baby Shark của Việt Nam”.
MV gốc của Baby Shark (Cá mập con) – thuộc kênh Pinkfong – nay đã có hơn 14,6 tỉ lượt xem, chưa tính rất nhiều MV phái sinh, phiên bản nhảy khác, ngôn ngữ khác… cũng đều thu hút hàng trăm triệu lượt xem.
Ra mắt năm 2016, đến năm 2019, ca khúc Baby Shark còn lên số một bảng xếp hạng Billboard Hot 100 của Mỹ, khiến truyền thông tốn không ít bài vở để bàn luận.
Trang The Daily Beast nhận định các video nhạc thiếu nhi dạng này nhắm vào nhóm khán giả mục tiêu là trẻ em mặc tã. Nhưng nhóm “người qua đường” quan trọng không kém là các bậc cha mẹ, những người bấm chọn video cho con mình xem khi ăn.
Do đó các bài hát, video này trông có vẻ đơn giản, nhưng chúng cần phải thu hút được cả trẻ em và người lớn.
MV Baby Shark – Pinkfong
Điểm chung là các bài hát có giai điệu đơn giản, dễ hát, dễ thuộc, nói về gia đình và động vật, ca từ lặp đi lặp lại, nhịp điệu lạc quan tươi sáng khiến người ta muốn nhún nhảy…
Ca từ Một con vịt không nói về gia đình, nhưng video nhạc của kênh Heo Con lại là hình ảnh gia đình sinh động của mẹ vịt và bầy con.
Đừng quá độ và phụ thuộc
Tác động của những video nhạc này không chỉ có mặt tích cực.
Các trang web về làm cha mẹ cho trẻ nhỏ vẫn luôn trích dẫn khuyến cáo của Học viện Nhi khoa Mỹ (AAP) về việc trẻ dưới 18 tháng tuổi tuyệt đối không nên xem màn hình.
Trẻ từ 18 đến 24 tháng tuổi chỉ được xem màn hình với sự hướng dẫn, trò chuyện đồng hành của người lớn.
Trẻ trên 2 tuổi xem màn hình dưới một giờ mỗi ngày, có người lớn đồng hành, nội dung phải mang tính tương tác, giáo dục, thân thiện và bất bạo động.
Trẻ từ 5 đến 8 tuổi không có khuyến nghị thời gian cụ thể nhưng cha mẹ phải đảm bảo việc xem màn hình không ảnh hưởng đến các hoạt động quan trọng khác như giấc ngủ, hoạt động thể chất và học tập.
Nhưng trên thực tế, có nhiều gia đình đã vượt qua các mốc này. Họ cho con xem màn hình từ khi còn rất nhỏ, và cho xem quá thời lượng mỗi ngày.
Lỗi không hẳn nằm ở các video nhạc thiếu nhi, mà nằm ở cách người lớn sử dụng chúng để phục vụ việc ăn uống của trẻ em.
Trên trang FirstCry Parenting, tiến sĩ – nhà tâm lý học Rashmi Prakash liệt kê một số lý do không nên cho trẻ vừa ăn vừa xem video.
Đó là: ăn quá nhiều gây béo phì, do mải xem video nên không nhận biết trạng thái no; não gửi tín hiệu sai đến cơ thể nên không xử lý được mùi vị, màu sắc món ăn; tạo nên thói quen ăn uống không lành mạnh cho trẻ khi lớn lên; giảm trao đổi chất, làm ảnh hướng tiêu hóa; khó tiêu; không có sự tương tác gia đình trong bữa ăn…
Một nghiên cứu của Đại học London (Anh) cho thấy cứ 15 phút nhìn màn hình có thể khiến người ta ngủ ít hơn 4 phút.
Giấc ngủ rất cần thiết cho sự phát triển của não bộ, đặc biệt trong những năm đầu đời của trẻ em.
Các video nhạc thiếu nhi, và rộng hơn là biển nội dung dành cho thiếu nhi trên mạng nói chung, vẫn có những nội dung cần thiết và phù hợp để trẻ tiếp cận theo từng lứa tuổi.
Nhưng trẻ cần sự đồng hành, tương tác của người lớn khi xem để hiểu mình đang xem gì, khiến trải nghiệm thưởng thức video thêm phong phú, sinh động và dễ tiếp thu hơn.