Với hai cuộc thi Hoa hậu Du lịch Việt Nam ở Quảng Ninh và Miss Grand Vietnam (Hoa hậu Hòa bình Việt Nam) ở Bình Thuận vào tối 3-8, Việt Nam có thêm 2 hoa hậu và 6 á hậu.
Trước đó, số lượng hoa hậu, á hậu… vốn đếm không xuể, đến mức nhiều người cho Việt Nam đang “bội thực hoa hậu” hoặc “loạn hoa hậu”.
[related_posts_by_tax title=""]Việt Nam cần nhiều hoa hậu, á hậu để làm gì?
Để lại bình luận dưới bài viết, độc giả tên Anh cho rằng: “Nếu đổi lại, Việt Nam đoạt được 2 huy chương vàng + 6 huy chương bạc ở Olympic thì đáng tự hào hơn”.
Bạn đọc V.T. viết: “Phải chi phát triển kinh tế mà bùng nổ như hoa hậu thì giờ chắc Việt Nam nằm trong nhóm thu nhập cao của thế giới rồi!”.
“Ra ngõ là gặp hoa hậu”, “hoa hậu như nấm sau mưa”, “riết rồi nói đến hoa hậu là ngán tận cổ”, “lạm phát cả hoa hậu”… là các bình luận của bạn đọc.
Thậm chí tài khoản truo****@gmail.com còn cho “Việt Nam là nước sản xuất hoa hậu, á hậu nhiều nhất thế giới”.
Bạn Phuc Nguyen chia sẻ “đọc báo mới biết có chung kết hoa hậu”, “dư luận xã hội cũng không nghe bàn tán gì về các cuộc thi hoa hậu như trước đây”…
Có độc giả đặt câu hỏi “không biết ban tổ chức cuộc thi hoa hậu có thấy giá trị hoa hậu bây giờ mất giá không? Chứ người dân thấy quá ngán ngẩm rồi”, “cuộc thi không lan tỏa được giá trị gì”…
Độc giả tên Thúy cho biết trước đây bà còn nhớ hoặc biết tên hoa hậu, nhưng giờ thì “chào thua vì hoa hậu đông như quân Nguyên và không thấy ý nghĩa gì”.
Một người góp ý “không biết đất nước Việt Nam cần nhiều hoa hậu để làm gì”, “một năm chỉ nên có một cuộc thi hoa hậu”.
Cuộc thi hoa hậu đầu tiên ra sao?
Còn nhớ hồi tháng 2, á hậu Thu Mai qua đời. Tuổi Trẻ Online đã liên hệ hoa hậu Bùi Bích Phương và có dịp nghe bà kể về cuộc thi Hoa hậu hội báo Tiền Phong vào 36 năm trước.
Đó là cuộc thi sắc đẹp có quy mô toàn quốc đầu tiên sau khi nước Việt Nam thống nhất, do báo Tiền Phong khởi xướng, được tổ chức tại Nhà văn hóa Thanh Niên, Hà Nội vào năm 1988.
Năm đó, ban tổ chức chọn ra hoa hậu là Bùi Bích Phương và á hậu duy nhất là Thu Mai.
Chia sẻ với Tuổi Trẻ Online, bà Bích Phương cho “đó là cuộc thi có một không hai. Sau này không còn thấy nữa”.
“Chắc giờ không ai tưởng tượng nổi, khi ấy đất nước còn nhiều khó khăn, thiếu thốn nhưng vui, hào hứng vô cùng”, bà nói.
Bà kể cuộc thi do Trung ương Đoàn chỉ đạo, báo Tiền Phong là đơn vị thực hiện. Lúc đó không có bất cứ một nhà/đơn vị tài trợ nào. Truyền thông thì hạn chế.
Tuy nhiên, cuộc thi lại có sức hút và tiếng vang kinh khủng. Đi đến đâu cũng thấy người dân nghe nói về nó. Sự kiện không bán vé, chỉ phát giấy mời.
Hoa hậu Bích Phương nhớ lại những thí sinh dự thi năm đó phải đến trước 4 -5 tiếng so với khán giả. Tuy nhiên khi xe chở các người đẹp đến thì khán giả đã đứng chật cứng trước Nhà văn hóa Thanh Niên.
Vì cuộc thi không truyền hình trực tiếp như giờ, nên khán giả đến xem đông đến nỗi chen chúc, xô đổ cả hàng rào bên ngoài nhà văn hóa.
“Thời đó, chúng tôi đều là sinh viên, đoàn viên. Toàn đi dép lê, quần áo tự may, chẳng ai son phấn gì cả. Cũng không ai nghĩ đây là một cuộc thi nhan sắc như sau này đâu.
Chỉ đơn giản nghĩ đó là một hoạt động văn hóa, Trung ương Đoàn kêu gọi thì đăng ký tham gia. Ai cũng mong đến để cống hiến, để “khoe” những vẻ đẹp của vùng đất mình được sinh ra”, hoa hậu Bích Phương nhớ lại.
Địa phương phải có lập trường
Nghị định 144/2020 của Chính phủ không có điều khoản quy định giới hạn số lượng cuộc thi sắc đẹp trong một năm nhằm mục đích tạo môi trường pháp lý bình đẳng cho các tổ chức, cá nhân.
Theo phân cấp nghị định, UBND cấp tỉnh chấp thuận tổ chức cuộc thi, liên hoan được tổ chức trên địa bàn quản lý.
Tại Hội nghị công tác nghệ thuật biểu diễn năm 2023, triển khai nhiệm vụ công tác năm 2024 diễn ra hồi đầu năm ở Bắc Giang, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Tạ Quang Đông cho rằng “vấn đề hoa hậu là vấn đề rất đơn giản, song các địa phương phải có lập trường vững vàng”.
Theo ông, địa phương có quyền chọn cấp phép cho các cuộc thi hoa hậu sao cho phù hợp với mục tiêu phát triển văn hóa của địa phương, miễn sao đúng quy định của pháp luật.
“Có thể có 20 chương trình gửi hồ sơ đề nghị cấp phép, nhưng địa phương chỉ quyết định chọn cấp phép cho một chương trình”, ông Đông nhấn mạnh.