Với những giá trị được bảo lưu từ những phần phim gốc, đi kèm với chất lượng âm thanh, kỹ xảo và kịch bản ấn tượng, Alien: Romulus (tựa Việt: Quái vật không gian: Romulus) chắc chắn sẽ làm hài lòng những người hâm mộ trung thành nhất của thương hiệu này.
Câu chuyện của phim khởi đầu khá chậm rãi, cho khán giả thời gian để hiểu được mối quan hệ của nhân vật chính Rain (do Cailee Spaeny thủ vai) và cậu em trai người máy Andy (Daniel Jonsson đóng).
[related_posts_by_tax title=""]Khác với những người máy đóng vai trò phản diện xuyên suốt thương hiệu Alien, Andy là một sản phẩm lỗi, có cử chỉ tương tự như một con người bị mắc chứng tự kỷ và bị Tập đoàn Weyland-Yutani ném ra bãi rác.
Trailer phim Alien: Romulus
Andy sau đó được gia đình Rain cưu mang, xem như người con trai út trong nhà, Rain cũng thường xuyên chăm sóc, lo lắng cho cậu em trai nhân bản này.
Nơi ở của hai người là một hành tinh khai khoáng tên Jackson, bị thuộc địa hóa bởi Tập đoàn Weyland-Yutani tham lam, sẵn sàng hy sinh sức khỏe, tính mạng của người dân để làm giàu.
Cũng vì lý do này, Jackson không khác gì một hành tinh địa ngục, bệnh tật diễn ra liên miên, không khí ô nhiễm từ hầm mỏ khiến cư dân chết dần chết mòn.
Gia đình làm lụng cả đời nhưng không thể rời khỏi hành tinh, Rain quyết định bắt tay với một nhóm chuyên thu gom phế liệu để đổ bộ trạm vũ trụ bỏ hoang Romulus – Remus, hiện đang trôi lơ lửng ngoài quỹ đạo, để tìm kiếm cơ hội có cuộc sống mới.
Alien: Romulus – kịch tính, bất ngờ, kinh dị
Thành viên của tàu gồm Tyler (Archie Renaux); Kay (Isabela Merced); Bjorn (Spike Fearn) và Navarro (Aileen Wu).
Phi vụ tưởng chừng đơn giản bất ngờ biến thành ác mộng khi các thành viên vô tình giải thoát những quái vật Face Hugger đang bị đóng băng, chúng sau đó tấn công và đẻ trứng lên một phi hành đoàn, khiến cô trở thành vật chủ cho quái vật không gian Xenomorph.
Khán giả quen thuộc với series Alien chắc hẳn cũng biết số phận bi thảm sẽ xảy ra với các nhân vật phụ, thế nhưng phim vẫn dành thời gian giới thiệu và phần nào khiến khán giả quan tâm tới họ.
Ở hồi hai của phim, những người sống sót được tiết lộ rằng đây là một trạm nghiên cứu bí mật của Tập đoàn Weyland-Yutani nhằm mục đích nghiên cứu những “dạng sống hoàn mỹ” kia.
Đồng thời họ kinh hoàng nhận ra mình còn phải đối mặt với hàng chục cá thể Xenomorph, hiện đã chiếm đóng một nửa trạm không gian khổng lồ này.
Diễn xuất của hai nhân vật trung tâm là Rain và Andy thuyết phục. Thoạt nhìn, các fan cứng của Alien có thể cho rằng diễn viên Cailee Spaeny quá nhỏ con, khuôn mặt hơi “non”, không đủ góc cạnh để thay thế nhân vật huyền thoại Ripley.
Tuy nhiên, đây không phải là Ripley nguyên tắc, mạnh mẽ và hành động theo lý trí của bốn phần phim đầu tiên, Rain là một người tình cảm, bản năng, những pha xử lý tình huống nhanh nhạy của cô nàng khi đối đầu với quái vật giúp cô nhanh chóng chiếm được cảm tình của khán giả.
Một điểm trừ của nhân vật này là kịch bản hiếm khi cho cô thời gian để phát triển nội tâm do những pha hành động diễn ra dồn dập, những người sống sót luôn trong tình huống ngàn cân treo sợi tóc.
Còn em trai Andy giữa phim sẽ có phần “lột xác” trở thành một người máy máu lạnh, đánh giá tình huống dựa trên hiệu quả, chứ không còn những khiếm khuyết như trước. Đây là một nút thắt thú vị, khiến phim thêm phần căng thẳng.
Tất cả những yếu tố trên dồn nén để tạo nên một trong những hồi cuối cùng xuất sắc bậc nhất dòng phim 45 năm tuổi này, chắc chắn sẽ khiến khán giả bất ngờ với độ kinh hoàng mà nó mang lại.
Khởi đầu mới cho Quái vật không gian
Xuyên suốt gần hai tiếng của Alien: Romulus có rất nhiều chi tiết liên hệ đến những phần phim đầu tiên như nhân vật, góc quay hay thậm chí là một số tình tiết then chốt.
Một mặt, quá nhiều yếu tố gợi nhắc phim cũ có thể khiến khán giả cảm thấy Alien: Romulus chỉ tập trung đánh vào hoài niệm của khán giả, thiếu đi căn tính của riêng mình, đây cũng là phê bình lớn nhất dành cho tác phẩm.
Mặt khác, cách đạo diễn Fede Alvarez lồng ghép hầu hết những “trứng phục sinh” này vào mạch phim rất tự nhiên, thậm chí cho cảm giác mới mẻ. Đây cũng là một trong những thế mạnh ông thể hiện qua những phim như Evil Dead (2013), Don’t Breath…
Thêm vào đó, cách ông sắp xếp bối cảnh, góc quay và sự tương phản màu sắc cũng như thể một lá thư tình gửi cho huyền thoại Ridley Scott.
Bản thân cha đẻ của thương hiệu này cũng bày tỏ sự yêu thích khi xem Alien: Romulus, đây là sự công nhận mang ý nghĩa vô cùng lớn vì Ridley Scott rất khó tính khi đánh giá những series mình sáng tạo ra.
Ê kíp của phim cũng cực kỳ tích cực sử dụng hiệu ứng thực tế kết hợp với công nghệ rối điện tử (animatronic) thay vì lạm dụng kỹ xảo, khiến những con quái vật, những cảnh máu me, kinh dị xuất hiện cực kỳ chân thật.
Ngoài ra công nghệ, cấu trúc trên tàu vũ trụ được làm tỉ mỉ như được đưa từ phần phim 1979 quay trở lại, phim trường quy mô lớn được dựng thay vì phông xanh khiến Alien: Romulus trở thành một của hiếm trên thị trường làm phim hiện nay.
Tổng kết lại, Alien: Romulus vẫn là một trải nghiệm điện ảnh không nên bỏ lỡ của người yêu thích thể loại kinh dị nói chung và dòng phim Alien nói riêng, phim cũng kết lại với phong cách tương tự Alien (1979), để ngỏ khả năng cao rằng sẽ có thêm nhiều cuộc phiêu lưu nữa trong vũ trụ của những quái vật không gian.