Với cuộc thi Hoa hậu Doanh nhân Hòa bình 2024 diễn ra vào tối 23-8, tại thành phố Phan Rang – Tháp Chàm, tỉnh Ninh Thuận, Việt Nam có thêm 1 hoa hậu và 6 á hậu.
Điều này đã dấy lên nhiều ý kiến trái chiều, đa phần bạn đọc đều đồng tình cho rằng Việt Nam đang ngày càng vướng sâu vào tình trạng “lạm phát hoa hậu”.
[related_posts_by_tax title=""]“Cuộc thi hoa hậu bây giờ không khác gì game show”
Để lại bình luận dưới bài viết, độc giả tên Hiệp cho rằng: “Hoa hậu Doanh nhân rồi đến Hoa hậu Hòa bình, bây giờ ghép lại thành cuộc thi Hoa hậu Doanh nhân Hòa bình. Vậy là có thêm một cuộc thi mới nữa”.
“Nay mai gắn thêm cụm từ… Hòa bình Thế giới thì được một cuộc thi mới. Dễ lắm chứ”.
Bạn đọc Duy cũng bày tỏ quan điểm: “Một cuộc thi mà ra tới 7 danh hiệu, tưởng đâu thi theo nhóm”.
“Loạn hoa hậu”, “Bước ra khỏi nhà là gặp hoa hậu”, “Nói hoài có ai chịu nghe đâu”, “Lại hoa hậu nữa hả?”, “Đây là một trong những thành tích phi thường”… là các bình luận của bạn đọc.
Có người đặt câu hỏi: “Việt Nam là nước sản xuất hoa hậu nhiều nhất trên thế giới hiện nay nhưng không đoạt nổi top 3 hoa hậu thế giới, không biết hoa hậu nhiều như vậy để làm gì?”.
Độc giả tên An cho rằng: “Nhiều cuộc thi hoa hậu bây giờ không khác gì game show. Kết quả là lạm dụng danh hiệu”.
Một ý kiến khác góp ý: “Ủa rồi thi hoa hậu chi cho lắm nhỉ? Có giúp gì cho xã hội không? Hay lâu lâu lại có scandal của cô hoa hậu này, cô á hậu kia? Tôi nghĩ là nên dừng hết đi”.
Độc giả trantue nhận định: “Trước đây nói tới hoa hậu là nhớ ngay tên tuổi, giờ nói tới hoa hậu mênh mông, không nhớ nổi tên”.
Cần chấn chỉnh tình trạng bội thực các cuộc thi sắc đẹp
Bạn đọc tên Anh Vũ cho rằng “nếu tình trạng ‘lạm phát hoa hậu’ cứ kéo dài như thế này, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cùng các cơ quan chức năng nên quan tâm chấn chỉnh tình trạng ‘bội thực’ các cuộc thi sắc đẹp”.
Họ đề nghị rằng các cơ quan chức năng cần thắt chặt quy định và tiêu chuẩn về việc tổ chức các cuộc thi hoa hậu, nhằm đảm bảo rằng chỉ những cuộc thi có mục đích và ý nghĩa rõ ràng mới được cấp phép.
Lý giải điều này, ThS Nguyễn Hoàng Vũ – chuyên gia truyền thông lâu năm trong lĩnh vực giải trí – cho biết:
“Các cuộc thi sắc đẹp hiện nay đã được nới lỏng và cấp phép tổ chức rộng rãi.
Sự bùng nổ của các cuộc thi này phần lớn là do các tổ chức, cá nhân nhận thấy đây là hình thức quảng bá hiệu quả, thu hút sự chú ý của công chúng và mang lại lợi nhuận nhanh chóng”.
Tuy nhiên, theo ông Vũ, cái gì cũng có hai mặt của nó.
“Việc nới lỏng quy định cấp phép đã dẫn đến việc tổ chức một cách tràn lan, thiếu kiểm soát và không đảm bảo chất lượng. Chính vì thế, giá trị của danh hiệu hoa hậu cũng bị giảm sút hơn ngày xưa” – ông Vũ nhận định.
ThS Nguyễn Hoàng Vũ cho rằng không chỉ ban tổ chức mà người dự thi cần phải tìm hiểu kỹ về mục tiêu, tiêu chí và uy tín của cuộc thi trước khi quyết định tham gia.
“Thay vì mải mê tìm kiếm danh hiệu hoa hậu, người dự thi nên tập trung vào những sân chơi chất lượng, nơi có thể giúp họ rèn luyện kỹ năng, trau dồi kiến thức và phát triển bản thân” – ông Vũ gợi ý.