Cũng từ đó, Hollywood sản sinh ra một thể loại phim riêng biệt để dành cho dịp đặc biệt này – phim bầu cử Mỹ – những tác phẩm lấy bối cảnh một cuộc chạy đua vào Nhà Trắng hoặc dùng để châm biếm các cuộc tranh cử, các phim này cũng đóng vai trò cột mốc của thời đại, phản ánh những vấn đề nước Mỹ đang gặp phải lúc bấy giờ.
Tuổi Trẻ Online điểm lại năm bộ phim bầu cử Mỹ nổi bật nhất của lịch sử điện ảnh, trong đó có những phim phản ánh tình hình chính trị một cách khéo léo, được nhiều trường đại học đưa vào chương trình giảng dạy để sinh viên tham khảo.
[related_posts_by_tax title=""]The Candidate (1972)
The Candidate (tạm dịch: Ứng cử viên) là phim chính kịch có yếu tố trào phúng, ra mắt giữa cuộc tranh cử tổng thống của Richard Nixon (Đảng Cộng hòa) và George McGovern (Đảng Dân chủ).
Đây là một trong những chiến thắng áp đảo nhất lịch sử Hoa Kỳ, khi Richard Nixon đắc cử với số phiếu áp đảo.
Bối cảnh trong phim cũng phản ánh đúng thực tế bấy giờ, Đảng Dân chủ đang phải đối mặt với một kỳ bầu cử gần như không có cửa thắng.
Bill McKay (do Robert Redford đóng) biết rõ điều này và tham gia tranh cử “cho vui”, đồng thời chỉ để nói tất cả mọi điều mình muốn.
Tuy nhiên, sự trung thực của anh chàng như một làn sóng mới giữa chính trường Hoa Kỳ, anh bất ngờ nhận được sự ủng hộ khổng lồ từ nhiều cử tri.
Các thành viên Đảng Dân chủ bắt đầu cố gắng thao túng chàng chính trị gia bất đắc dĩ này, khiến cho phim xuất hiện nhiều tình huống dở khóc dở cười.
Primary Colors (1998)
Primary Colors là tác phẩm phản ánh tình hình chính trường Mỹ những năm 1990, cụ thể là sự nổi lên của cựu tổng thống Bill Clinton và những bê bối đời tư của ông trong quá trình tranh cử.
Trailer phim Primary Colors
Dựa trên một tiểu thuyết của nhà báo Joe Klein, phim theo chân một thống đốc bang (John Travolta đóng) trên chặng đường trở thành tổng thống Mỹ.
Điểm mạnh của phim là bức tranh hậu trường sôi động của một năm bầu cử, thể hiện một cách thông minh và hài hước về công lao của những người đứng sau bức màn xử lý khủng hoảng và chịu trách nhiệm cho một cuộc tranh cử thành công.
Wag the Dog (1997)
Cũng là một câu chuyện về xử lý những xì căng đan, Wag the Dog (tạm dịch: Đánh lạc hướng) theo chân Winifred Ames (Anne Heche đóng), một trợ lý tổng thống, phải ra tay khi người đứng đầu đất nước bỗng nhiên vướng vào lùm xùm chỉ hai tuần trước khi ông này tuyên bố tái tranh cử.
Để đánh lạc hướng truyền thông, Winifred Ames nhờ một nhà sản xuất có tiếng tại Hollywood (do Dustin Hoffman đóng) dàn dựng một cuộc xung đột tại Albania (một quốc gia Đông Nam Âu) để tổng thống đương nhiệm ra tay xử lý, từ đó nhận thêm sự ủng hộ từ các cử tri.
Tuy thuộc thể loại hài đen, phim vẫn có những lúc nghiêm túc khắc họa tình hình chính trị, khán giả có thể dễ dàng nhận biết qua sự tương đồng giữa tình tiết phim với nhiệm kỳ của ông Bill Clinton, cùng với cách các chính trị gia dùng xung đột tại những đất nước xa xôi để tăng độ tín nhiệm của mình.
Election (1999)
Thật kỳ lạ là một trong những tác phẩm xuất sắc nhất còn không lấy bối cảnh cuộc chạy đua vào Nhà Trắng, phim Election nói về cuộc bầu cử… hội trưởng hội học sinh của một trường cấp ba.
Phim là câu chuyện hài hước giữa Tracy Flick (Reese Witherspoon đóng) là một học sinh ưu tú tại một trường trung học nổi tiếng, với mong muốn trở thành hội trưởng hội học sinh và Jim McAllister (Matthew Broderick đóng), một giáo viên ghét cay ghét đắng Tracy và muốn phá hoại quá trình tranh cử của cô.
Thoạt nghe, Election có vẻ chỉ là một phim học đường hài hước, có phần “vô tri”, nhưng thực chất đây lại là vỏ bọc hoàn hảo để đạo diễn Alexander Payne và biên kịch Jim Taylor lồng vào những châm biếm sâu sắc về bản chất của các cuộc bầu cử và nhiều yếu tố mang tính tiên tri tình hình nước Mỹ trong tương lai.
All the President’s Men (1976)
Khác với tính trào phúng của các bộ phim kể trên, All the President’s Men là một tác phẩm khai thác cực kỳ nghiêm túc về một trong những bê bối lớn nhất lịch sử Nhà Trắng.
Cụ thể, tác phẩm của đạo diễn chuyên thể loại chính kịch – Alan J. Pakula – kể về những sự kiện có thật dẫn tới việc Richard Nixon từ chức.
Theo chân hai nhà báo Carl Bernstein và Bob Woodward, người đang điều tra vụ bê bối Watergate lịch sử cho The Washington Post.
Sau quá trình điều tra ròng rã và đầy rẫy biến cố, The Washington Post công khai bê bối lịch sử này ngay sau khi Nixon tuyên thệ nhậm chức cho nhiệm kỳ tổng thống thứ hai, khiến ông này từ chức ngày 9-8-1974.
Sở dĩ All the President’s Men được mệnh danh là một trong những phim chính trị, lấy đề tài điều tra xuất sắc nhất lịch sử điện ảnh là vì góc nhìn đậm chất báo chí của đạo diễn Alan J. Pakula.
Ông tin rằng sự rõ ràng và chính xác là đức tính quan trọng nhất của một người làm truyền thông, khiến cho tác phẩm này trở thành một trong những chuẩn mực của phim lấy đề tài báo chí điều tra như The Post hay phim đoạt giải Oscar 2016 – Spotlight.