Theo quan sát trên các diễn đàn về phim ảnh, thậm chí cả những ý kiến chê với Móng vuốt cũng ít chứng tỏ người xem không có nhiều ấn tượng.
Trong khi đó, nghịch lý là phim kinh dị sinh tồn đang là một trong những dòng phim ăn khách nhất trên Netflix. Nhiều series liên tục được sản xuất và đứng top lượt xem ở Việt Nam. Các diễn viên nước ngoài thăng hạng tên tuổi.
[related_posts_by_tax title=""]Với các phim đó, khán giả Việt rất quan tâm, thuộc làu làu từng nhân vật nhưng họ lại không có nhu cầu xem phim cùng dòng của Việt Nam.
Hai phim sinh tồn ra rạp, cả hai đều lỗ
Có bao nhiêu phim sinh tồn (survival film) của Việt Nam từng ra rạp thương mại? Câu trả lời vỏn vẹn là hai.
Khi Rừng thế mạng (tên cũ Tà Năng Phan Dũng) ra mắt năm 2021, đoàn phim quảng bá đây là phim sinh tồn đầu tiên của Việt Nam và trong giới làm phim không mấy ai phản đối. Phim kể về nhóm bạn đi trekking xảy ra mâu thuẫn, người đi lạc, người bỏ mạng.
Rừng thế mạng có doanh thu tại rạp là 14,6 tỉ đồng (theo Box Office Vietnam), cộng thêm doanh thu từ chiếu trực tuyến nên có lỗ nhưng không nặng.
Trước đó, phim Bẫy cấp ba của đạo diễn Lê Văn Kiệt từng không được cấp phép chiếu vào năm 2012 vì nội dung bạo lực.
Phim được giới thiệu là phim kinh dị nhưng mô tả nội dung có bóng dáng của dòng phim kinh dị – sinh tồn: trong một chuyến đi chơi ở Đà Lạt, từng người trong một nhóm học sinh bỏ mạng một cách bí hiểm.
Phim Đảo Độc Đắc cũng có một số yếu tố giống phim sinh tồn khi kể về một nhóm bạn ra đảo hoang và gặp họa, nhưng lại được nhà sản xuất quảng bá là phim kinh dị tâm linh.
Móng vuốt – phim gắn mác “sinh tồn” thứ hai của Việt Nam được ra rạp – có mô típ khá giống các phim trên.
Trong một chuyến đi chơi, một nhóm bạn liều lĩnh đi vào rừng cấm, đối mặt với con gấu hung dữ tấn công họ và những hiểm họa khác.
Mô típ này giống với các phim kinh dị nước ngoài rất ăn khách như I Know What You Did Last Summer hay Friday the 13th.
Đáng tiếc, Móng vuốt – vượt trội về kỹ thuật làm phim và kỹ xảo nhưng kịch bản còn mỏng – lại đang đối diện nguy cơ lỗ nặng.
Doanh thu sau tuần đầu tiên của phim chỉ đạt gần 3,1 tỉ đồng. Kinh phí phim là khoảng hàng chục tỉ đồng.
Phim sinh tồn không chỉ có giá trị giải trí, giật gân
Điện ảnh Việt có các dòng khác là phim zombie, phim ma cũng có mô típ tương tự nhưng không tính vào dòng phim sinh tồn. Bởi phim sinh tồn nhấn mạnh việc con người đấu tranh với tự nhiên và các hiện tượng có thật thay vì hư cấu.
Trong dòng phim này, một hoặc nhiều nhân vật nỗ lực đấu tranh sinh tồn về thể xác.
Dòng phim khám phá nghị lực sống của con người – thứ sẽ vùng dậy mạnh mẽ khi họ bị đe dọa về tính mạng. Phim lột trần những cảm xúc sâu kín, động cơ và mong muốn cá nhân bởi khi đối mặt cái chết, người ta không che giấu được những điều đó.
Rộng hơn, dòng phim sinh tồn mang lại suy ngẫm về giá trị cá nhân, tình bạn, tình yêu và ý nghĩa của sự sống, cái chết.
Nếu kịch bản sâu sắc, phim dòng này sẽ không dừng ở phim hạng B mạnh về kịch tính, giải trí, giật gân cho khán giả mà còn đạt chất lượng nghệ thuật cao.
Ví dụ tiêu biểu là 127 Hours, phim tiểu sử sinh tồn năm 2010. Tài tử James Franco đóng vận động viên leo núi Aron Ralston bị mắc kẹt do một tảng đá. Trong 5 ngày, anh phải vận dụng mọi kiến thức, trải nghiệm, kỹ năng, nghị lực để giành lại sự sống, bao gồm việc phải cắt lìa một cánh tay.
Phim được Viện phim Mỹ xếp vào top 10 phim hay nhất năm 2010, được đề cử 6 giải Oscar trong đó có Phim hay nhất và Nam diễn viên chính xuất sắc.
Điểm chung của phim sinh tồn là diễn viên phải rất lăn xả, tốn sức. Bối cảnh thường ở trong thiên nhiên, núi non, rừng rú; kịch bản có nhiều cảnh đáng sợ, nhân vật bị tấn công về thể chất, uy hiếp tinh thần, rượt đuổi, trấn áp, phải gào thét, chịu đau đớn…
Kinh phí dòng phim này ở nước ngoài cũng có nhiều cấp độ. Có những phim kinh phí thấp vì bối cảnh nhỏ hẹp, ít diễn viên, như 127 Hours là 18 triệu USD, Into the Wild là 20 triệu USD.
Nhưng cũng có những phim tốn hàng chục triệu hoặc hơn 100 triệu USD như Apollo 13, Cast Away, Captain Phillips, The Day After Tomorrow, Life of Pi…
Nếu tính phim kinh điển Titanic vào dòng sinh tồn thì thuộc hàng đắt đỏ nhất: 200 triệu USD.
Ở Việt Nam, Móng vuốt cũng đang thuộc nhóm những phim Việt đắt đỏ nhất.
Sự thờ ơ của khán giả – không chỉ thể hiện ở doanh thu mà còn thể hiện qua số bài bình luận ít ỏi về Móng vuốt trên mạng xã hội – là thực tế đáng buồn với nhà sản xuất và với tính đa dạng của điện ảnh Việt.