Lễ khai mạc Thế vận hội Olympic tối 26-7 tưởng chừng sẽ khép lại với một nốt buồn sau cơn mưa tầm tã, ấy thế mà màn biểu diễn của Celine Dion chợt làm Paris sáng bừng trở lại.
Đây cũng là lần thứ hai diva biểu diễn trên khán đài Olympic, lần đầu là vào Thế vận hội mùa hè 1996 tại Atlanta (Mỹ) với ca khúc The Power of the Dream.
[related_posts_by_tax title=""]Chuyền tay ngọn đuốc hy vọng
“Nữ hoàng của những bản ballad mạnh mẽ” chọn Hymne à L’amour (tên tiếng Việt: Thánh ca tình yêu), khúc tình ca bất hủ của nước Pháp để đánh dấu màn trở lại sân khấu của mình sau nhiều năm chống chọi với bệnh tật, như lời hứa với khán giả trong một buổi phỏng vấn:
Suốt thời gian qua, Celine Dion phải đối mặt với chứng rối loạn thần kinh hiếm gặp khiến cho các cơ xơ cứng, gây đau đớn cực độ, căn bệnh cũng ảnh hưởng đến thanh quản nên bà buộc phải dừng việc ca hát từ tháng 5-2023 để tập trung chữa bệnh.
Bản thân ca khúc Hymne à L’amour cũng có ý nghĩa sâu sắc với Celine Dion, tác phẩm của huyền thoại âm nhạc Pháp Edith Piaf được sáng tác để tưởng nhớ người tình đoản mệnh của bà – võ sĩ quyền anh Marcel Cerdan.
Màn biểu diễn ca khúc Hymne à L’amour lay động hàng triệu trái tim khán giả
Nữ danh ca Celine Dion cũng chịu cùng một nỗi đau mất đi nửa kia của mình như Edith Piaf khi chồng bà là Rene Angelil qua đời vì ung thư năm 2016, khiến cho màn biểu diễn của bà tại Thế vận hội càng thêm cảm xúc.
Tuy sự trở lại của Celine Dion tại Paris từng được cánh báo chí tiết lộ vài ngày trước, khoảnh khắc nữ danh ca cất tiếng hát đầy nội lực dưới chân tháp Eiffel, khán giả dõi theo lễ khai mạc Olympic vẫn không giấu nổi sự phấn khích của mình.
Kelly Clarkson, dẫn chương trình khách mời của Đài NBC, cũng chết lặng khi xem màn trình diễn, nữ ca sĩ sau đó cũng không thể kìm nước mắt vì ngưỡng mộ nghị lực của Celine Dion.
Sau đêm diễn cảm xúc, giọng ca My Heart Will Go On cũng bày tỏ trên trang cá nhân: “Tôi hạnh phúc khi tôn vinh những vận động viên tuyệt vời tham gia Olympic năm nay, họ là những người truyền tải những câu chuyện lay động về sự hy sinh và nỗ lực, nỗi đau và sự kiên trì.
Tất cả các bạn dồn hết tâm sức của mình cho giấc mơ Olympic, dù có mang huy chương về nhà hay không, tôi mong rằng chỉ việc đứng tại đây, ngay lúc này nghĩa là những giấc mơ đó đã thành sự thật.
Các bạn hãy ngẩng cao đầu, tiến về phía trước, trái tim của tôi luôn đồng hành với các bạn!”.
Khoảnh khắc giọng hát của diva vang vọng trên dòng sông Seine thơ mộng, bà thực sự vừa thắp lên ngọn lửa Olympic, ngọn lửa của hy vọng trong tim mỗi khán giả đang hướng về Paris, giống như câu cửa miệng của Celine Dion:
“Màn trình diễn phải tiếp tục”.
Một đêm khai mạc đầy cảm xúc
Ngoài ra, sự xuất hiện của Lady Gaga tại phần mở đầu lễ khai mạc cũng thu hút nhiều sự chú ý của dư luận.
Cô không biểu diễn cùng Celine Dion như nhiều trang tin quốc tế đồn đại, tuy nhiên tiết mục cabaret Mon Truc En Plumes (một hình thức biểu diễn hộp đêm nổi tiếng bắt nguồn từ châu Âu) cũng rất ấn tượng.
Trên trang cá nhân, nữ ca sĩ cũng bày tỏ niềm vui khi được biểu diễn một ca khúc đóng vai trò tôn vinh nghệ thuật và hâm nóng trái tim của người Pháp. Đồng thời thể hiện tình yêu của mình cho thành phố Paris hoa lệ.
Lễ khai mạc Olympic năm nay kéo dài ba tiếng, các màn trình diễn chia làm 10 chương, với đa dạng các thể loại trình diễn từ nhạc kịch, jazz, nhạc giao hưởng cho đến heavy metal, nhạc điện tử…
Ngoài ra, màn trình diễn bài quốc ca của nước chủ nhà La Marseillaise đầy sôi động từ đỉnh Grand Palais khiến những người con đất Pháp rạo rực, sẵn sàng giành huy chương.
Các màn trình diễn của đêm khai mạc thật sự khép lại khi bài ca Imagine bất hủ của thành viên “tứ quái” – John Lennon – vang lên, đèn trên dòng sông Seine cũng tắt dần khi màn trình diễn kết thúc.
Ngay sau đó, ngọn lửa Olympic cuối cùng đã tới đích, cựu vận động viên điền kinh Marie-Jose Perec và võ sĩ judo Teddy Riner là người có vinh dự thắp sáng chiếc vạc Olympic, ngọn lửa đỏ rực sáng trên trời đêm Paris, ngọn khinh khí cầu gắn trên chiếc vạc đưa ngọn lửa bay lên, báo hiệu cho kỳ Thế vận hội chính thức bắt đầu.