Sự kiện diễn ra ngày 4-7, thuộc khuôn khổ Liên hoan phim châu Á Đà Nẵng (DANAFF II), kéo dài tới hết 6-7.
Nghệ sĩ Thúy Hường xuất thân là dân quan họ, chưa có ngày nào được học điện ảnh; nhưng nhờ đạo diễn Đặng Nhật Minh mà bà hiểu thế nào là điện ảnh.
[related_posts_by_tax title=""]Bà nói được Đặng Nhật Minh chấm vai Ngữ cho phim Thương nhớ đồng quê là một niềm vinh dự và tự hào lớn trong đời bà. Và “chẳng biết vì sao, cuộc đời Ngữ trong phim có phần nào đó gắn liền với tôi trong cả đời thực”, nghệ sĩ kể.
Đặng Nhật Minh: “Cô Ngữ của tôi đây rồi”
Bà Thúy Hường nhớ lại, hồi đó bà rất ngờ nghệch, không biết gì về phim ảnh. Đặng Nhật Minh hẹn đến nhà; vốn là dân quan họ, khách đến nhà, nghệ sĩ thường trang điểm rất kỹ.
Thời điểm năm 1995, con gái thường đánh mắt xanh, tô môi đỏ. Đạo diễn nhìn cô gái Thúy Hường lúc đó và lắc đầu.
“Tôi điểm trang xinh đẹp thế, tươi tắn thế, sao lại lắc đầu”, bà không hiểu. Ông nói: “Thúy Hường ơi, em đi rửa mặt đi”. “Tôi càng không hiểu. Sao lại thế?”, bà nói.
Lúc đó Thúy Hường chưa biết như thế nào là điện ảnh, không biết diễn viên phải để mặt mộc để đạo diễn xem gương mặt thật ra sao.
Sau khi rửa mặt và mặc áo cánh nâu, quàng khăn mỏ quả bước ra, Đặng Nhật Minh cười rất to và ôm bà, nói: “Cô Ngữ của tôi đây rồi”.
Câu chuyện của nghệ sĩ Thúy Hường khiến cả hội trường vỗ tay. Còn đạo diễn Đặng Nhật Minh ngồi dưới, ông không cười lớn như những người xung quanh mà cười mỉm, và cười mãi thôi!
“Đóng phim là phải thế này à?”
Thúy Hường nói khi đọc kịch bản Thương nhớ đồng quê, bà mê lắm nên đọc một lèo suốt đêm và thuộc luôn. Không những thuộc thoại của bản thân, bà còn thuộc thoại của bạn diễn.
Thời gian đóng phim đó, diễn viên được ông chỉ dạy “ở trên sân khấu em có thể diễn nhưng khi đóng phim, em không được diễn mà hãy đưa hết cảm xúc chân thật của em vào”.
Trong những cảnh quay đầu, ông không cho bà cầm bất cứ gì, kể cả gương.
Hồi đó, đạo diễn bảo nhân viên đoàn phim hóa trang cho Thúy Hường “già hơn, môi thâm, đen” nhưng không cho soi gương.
Tò mò không biết mặt mũi mình ra sao, Thúy Hường đã soi trộm, thấy mình xấu quá.
“Năm 1995, khi quay Thương nhớ đồng quê, tôi vẫn còn trẻ. Tôi khóc vì thấy mình quá xấu. Đóng phim là phải thế này à”, bà kể lại.
Lúc ấy, quay phim đi qua thấy, bảo có cảnh khóc nên tận dụng luôn tâm trạng của bà.
Đó là cảnh cô Ngữ ngồi nấu cơm dưới bếp với mẹ và nói chuyện chồng có người khác, không có lửa sao có khói, anh ấy có vợ hai, anh ấy bỏ con rồi mẹ ạ…! Lúc đó, Thúy Hường khóc nức nở. Ê kíp quay đúng một cúp “ăn” ngay.
Bà nói “xin cảm ơn đạo diễn Đặng Nhật Minh, người đã tạo chỗ đứng cho tôi hôm nay”.
Thương nhớ đồng quê (tiếng Anh: Nostalgia for Countryland) ra mắt năm 1995 do Đài truyền hình NHK của Nhật Bản và Hãng phim truyện Việt Nam hợp tác sản xuất.
NSND Đặng Nhật Minh viết kịch bản từ truyện ngắn cùng tên và truyện Những bài học nông thôn của nhà văn Nguyễn Huy Thiệp.
Phim lấy bối cảnh những năm 80 của thế kỷ trước, thời điểm đời sống xã hội Việt Nam có nhiều đổi khác nhưng vẫn có nhiều người một lòng thương nhớ đồng quê.
Trong một lần chia sẻ, ông kể, khó khăn nhất trong việc tìm diễn viên là vai chị Ngữ. Đến phút chót, ông vẫn không ưng ý một ai. Nhuệ Giang đã gợi ý ông xuống Bắc Ninh trực tiếp gặp Thúy Hường, ca sĩ của Đoàn quan họ Bắc Ninh.
Thương nhớ đồng quê đã xuất hiện ở hơn 60 liên hoan phim lớn nhỏ và thu về nhiều giải thưởng. Tại Liên hoan phim Việt Nam năm 1995, bộ phim đã mang về cho Đặng Nhật Minh giải Đạo diễn xuất sắc nhất.
Đây là một trong những bộ phim mang tính đại diện cho sự nghiệp của ông.