Diễn viên Trần Nữ Yên Khê kể trong buổi giao lưu và chiếu phim Muôn vị nhân gian tại Liên hoan phim châu Á Đà Nẵng 2024 (DANAFF II), diễn ra sáng 2-7 tại Đà Nẵng.
Bộ phim của đạo diễn Trần Anh Hùng được chọn chiếu mở màn chương trình Tiêu điểm điện ảnh Pháp tại liên hoan phim năm nay.
[related_posts_by_tax title=""]Ngoài Muôn vị nhân gian, Tiêu điểm điện ảnh Pháp giới thiệu 7 phim khác gồm Kỳ án trên đồi tuyết, Yves Saint Laurent, Người tình, Những nàng tôm lấp lánh, Kẻ cắp trái tim, Kẻ cắp nhân dạng và Chết bởi hàng nghìn vết cắt.
“Họ mong Trần Anh Hùng làm phim thật sự Việt Nam”
Trần Nữ Yên Khê nhắc lại thách thức của Trần Anh Hùng khi làm phim Muôn vị nhân gian: Kịch bản rất mỏng, hầu như không có chuyện. Có không ít người tò mò anh Hùng sẽ quay như thế nào?
“Trần Anh Hùng phản hồi bằng ngôn ngữ điện ảnh riêng của anh ấy”, chị nói.
Nói như thế không có nghĩa, với Trần Anh Hùng, những câu chuyện không quan trọng, nhưng anh đề cao hơn cách kể như thế nào để diễn tả được đúng cảm xúc nhân vật, gây xúc động cho khán giả hơn.
Theo Trần Nữ Yên Khê, khán giả ở Liên hoan phim Cannes đón nhận Muôn vị nhân gian rất tốt.
Ở Pháp, điều này “có phần khó với một vài nhà báo”. Bởi trong lòng, họ vẫn mong anh Hùng làm một phim về Việt Nam. Với họ, ngay cả Mùa hè chiều thẳng đứng vẫn chưa thật sự Việt Nam.
Vậy như thế nào mới “thật sự Việt Nam”? Trần Nữ Yên Khê nói tiếp, “là người Việt Nam nghèo khổ, xắn ống quần, cày ruộng”. Họ muốn một câu chuyện như thế.
“Thay vì nói cái nghèo khổ của nông dân Việt Nam, họ không hiểu vì sao anh Hùng lại làm một phim về ẩm thực”, chị chia sẻ. Bản thân Trần Nữ Yên Khê không cho Muôn vị nhân gian là một bộ phim về ẩm thực, mà nói về tình yêu, tình bạn…
Chị nhìn nhận “những người đó có cách nhìn hẹp hòi về đạo diễn Việt Nam, muốn họ như thế nào, phải thế kia mới đúng”.
“Anh Hùng thuộc về chính anh”
Trần Nữ Yên Khê kể chồng chị là người gốc Việt, sống ở Pháp nhưng thích văn hóa Nhật và thích đọc nhà văn Mỹ.
“Anh Hùng là ai ở trong đó? Rất khó trả lời. Anh là nghệ sĩ, anh chỉ thuộc về chính anh, thuộc về ngôn ngữ riêng của anh”, chị nói.
Theo nghệ sĩ này, lâu nay khi nhắc về ẩm thực, người ta thường nhắc đến kỹ thuật chế biến món ăn. Chưa có ai nói về ẩm thực như cách Trần Anh Hùng nói trong bộ phim của mình.
Bên cạnh vài người Pháp “hẹp hòi” ở trên, có những người Pháp khi xem phim tâm sự họ thấy ngay văn hóa Pháp trong đó.
Đó là cách đối xử giữa đàn ông và đàn bà, có một chút gì đó rất cổ điển, rất Pháp ở đó. Tức đàn ông có cái nhìn tôn trọng phụ nữ, không cao không thấp, rất vừa phải.
Đó cũng là lý do khi kết phim, nhân vật Eugénie (Juliette Binoche thủ vai) hỏi Dodin (Benoît Magimel) một câu: “Em là vợ hay là đầu bếp của anh?” thì ông trả lời rằng “đầu bếp”.
Trần Nữ Yên Khê đánh giá Dodin là một nhân vật thú vị. Ông có tình cảm sâu đậm với Eugénie, muốn cô là vợ, nhưng ông tôn trọng tài năng của cô nên trả lời như thế.