Đáng chú ý, Đài PT-TH Vĩnh Long, nơi phát sóng phim Việt nhiều nhất ở khu vực Nam Bộ, không gửi một phim nào dự giải thưởng này.
“Chúng tôi không tự tin”
Nói về lý do không gửi phim tham dự, ông Lê Thanh Tuấn, giám đốc Đài PT-TH Vĩnh Long, cho Tuổi Trẻ hay:
[related_posts_by_tax title=""]“Tại vì chúng tôi không tự tin. Để đánh giá phim phát sóng trên truyền hình Vĩnh Long trong cả năm qua, tôi thấy chưa có phim gì độc đáo để có thể mang phim đi dự thi”.
Theo ông Tuấn, nếu đầu tư một bộ phim truyền hình với mục đích để đi thi không quá khó, cái khó là không có kịch bản phù hợp để tính chuyện ăn giải khi thi. Chia sẻ thẳng thắn của ông Tuấn khái quát phần nào thực trạng phim Việt hiện nay.
Sự thật, phim trên THVL1 thường xuyên lọt vào top 10 các phim, chương trình giải trí có lượng người xem cao nhất trên sóng truyền hình.
Thế nhưng, các phim này phần lớn khai thác đề tài gia đình với mô típ quen thuộc là hận thù truyền từ đời này sang đời khác.
Tháng 10-2023, kênh HTV7 ra mắt rầm rộ giờ phim Việt đặc sắc mới, phát sóng lúc 19h30 từ thứ hai đến thứ tư hằng tuần.
Khung giờ phim này do một đơn vị tư nhân phối hợp với Đài truyền hình TP.HCM thực hiện.
Tuy vậy, mới đây nhất Thế giới trong gương phát trong khung giờ này lại là phim do TFS (hãng phim thuộc Đài truyền hình TP.HCM) sản xuất.
Còn khung giờ phát phim truyện mới lúc 19h45 trên SCTV14 hiện phát sóng lại các phim cũ. “Tình hình sản xuất phim truyền hình hiện nay rất căng thẳng. Sắp tới đây sẽ có nhiều thay đổi. Chủ yếu các hãng phim, nhà đài phải gồng mình trong khó khăn”, một nhà sản xuất phim giấu tên lo lắng chia sẻ với Tuổi Trẻ.
Ông Lê Thanh Tuấn nói thêm: “Truyền hình Vĩnh Long phối hợp với các công ty sản xuất phim hơn 10 năm qua.
Ngày nào kênh THVL1 cũng có phim Việt mới phát sóng. Chúng tôi đang lên kế hoạch sản xuất phim cho năm 2025. Thú thật là do tình hình quảng cáo năm nay khó khăn, nhà sản xuất và nhà đài đang ngồi lại để cân đối thu chi, cố gắng cầm cự”.
Cái khó bó cái khôn
Giờ thì nhiều hãng phim mới vẫn tham gia sản xuất phim. Cứ vài ngày có một đoàn phim xuất trận.
Nhìn vào sự nhộn nhịp này thấy như phim Việt đang hoạt động rất xôm tụ. Nhưng chỉ những người trong cuộc mới nặng trĩu lo âu.
Và có một thực trạng đáng buồn khi vẫn còn một bộ phận sản xuất phim truyền hình mang tâm lý “phim truyền hình thôi mà, làm đại đại là được”.
Bởi thế mà giá sản xuất phim bị “bóp chặt”, không nhiều hơn so với 15 năm trước. Vì vậy, rất khó có thể làm ra bộ phim có chất lượng.
Đạo diễn Hoàng Anh (phim Gạo nếp, gạo tẻ; Cô Thắm về làng…) trăn trở:
“Hiện sản xuất một tập phim chỉ cần một đến ngày rưỡi để quay, rồi quay 20 phân đoạn một ngày nên diễn viên cần có mỗi hình, không cần học thoại, ra quay là đọc lại theo lời nhắc của phó đạo diễn.
Mà có đọc sai thoại cũng không sao vì về diễn viên lồng tiếng tự sửa lại cho đúng. Điều này khiến chất lượng phim giảm sút”.
Và còn một thực trạng buồn nữa: phim Việt “đạo” kịch bản khá nhiều. “Tôi thấy ngành phim truyền hình của mình càng ngày càng đi thụt lùi, bởi vấn đề cơ bản nhất là bản quyền kịch bản người trong nghề còn không tôn trọng”, đạo diễn Hoàng Anh nói.
Trong 18 phim truyền hình dự giải Cánh diều 2024, Trung tâm sản xuất phim truyền hình VFC là ông “trùm” với 11 phim tham gia:
Gia đình mình vui bất thình lình, Người một nhà, Không ngại cưới chỉ cần một lý do, Chúng ta của 8 năm sau, Trạm cứu hộ trái tim, Cuộc chiến không giới tuyến, Biệt dược đen, Làng trong phố, Lỡ hẹn với ngày xanh, Cuộc đời vẫn đẹp sao, Gặp em ngày nắng.
Có ba phim do truyền hình K+ đầu tư sản xuất tham dự: Tết ở làng Địa Ngục, Đi về phía lửa, Nhà mình lạ lắm.
SCTV dự thi hai phim: Nữ luật sư, Tình yêu đến cùng gió biển.
Hãng phim Công an nhân dân và Hãng phim TFS dự thi mỗi hãng một phim: Đội điều tra số 7 và Miền quên lãng.
Nhìn chung, các phim tập trung nhiều vào đề tài gia đình, trong đó một số phim gần gũi với cuộc sống như Cuộc đời vẫn đẹp sao, Gặp em ngày nắng, Gia đình mình vui bất thình lình, Người một nhà.
Tết ở làng địa ngục là phim hiếm hoi phát trên Netflix và đứng top 1 bảng xếp hạng ở Việt Nam, dù nội dung gây tranh cãi khen chê.