Có thể kể ra một số sự kiện gần đây như: 1589 của Trung Quân (28-10 ở TP.HCM, 11-11 ở Hà Nội, giá vé từ 800.000 đến 3 triệu đồng), Một mình bao la của nhạc sĩ Đỗ Bảo (ngày 11-11 ở TP.HCM, 25-11 ở Hà Nội, từ 1,2 – 6,2 triệu đồng), The wild dreams tour – tour diễn của nhóm nhạc Westlife tại Việt Nam (22-11 ở TP.HCM, từ 850.000 đến 4 triệu đồng), Open Air #2 X-Mas Festival in Hanoi (23, 24-12 ở Hà Nội, từ 900.000 đến 15 triệu đồng)…
“Ấm” bởi live show
Chưa đủ điều kiện để đi hết các show, chị Nguyễn Huyền Trang (36 tuổi, Hà Nội) phải “cân đo đong đếm” mới quyết định đặt vé máy bay để “đu” show The wild dreams tour vì lỡ “nghiện” Westlife từ thời sinh viên.
Chị Trang nói: “Mình nghèo nên thế, chứ nghe bạn bè đi các show ca nhạc về kể, show nào cũng kín. Dân Việt giờ sao giàu thế, chịu chi thế, giá vé cao mà đi nghe ầm ầm”.
Việc này diễn ra không chỉ với những sao trẻ “ăn” khách trên thị trường như Trung Quân hay sao quốc tế mà với ngay cả những nghệ sĩ tưởng kén khán giả như Đỗ Bảo.
Linh Nguyễn – đồng sáng lập The BROS, tổ chức show Một mình bao la của nhạc sĩ Đỗ Bảo – chia sẻ thị trường ấm lên từ đầu năm với nhiều show diễn bán vé. Đây là một tín hiệu vui không chỉ cho riêng nhà tổ chức.
Tiết lộ về tình hình bán vé show Một mình bao la, Linh Nguyễn kể vé bán ra tuy không hết nhanh chóng nhưng đến lúc này, có thể tạm yên tâm đã gần tới đích. “Chính bản thân đơn vị tổ chức lẫn nhạc sĩ đều bất ngờ vì không nghĩ nhạc Đỗ Bảo cũng “đắt” khách như vậy”, anh Linh nói thêm.
Còn 1589 của Trung Quân vừa qua, vé bán ra hết rất sớm, ban tổ chức phải thay đổi chiến lược để bán thêm vé. Tổng cộng show diễn ra ở cả TP.HCM lẫn Hà Nội thu hút khoảng 15.000 khán giả.
Hà Thanh Phúc – đại diện Interstella, đơn vị sản xuất show 1589 cũng như phòng trà Bến Thành, Chợ Gạo – đánh giá sau hai năm dịch bệnh, việc thị trường âm nhạc ấm lên bởi các sân khấu ca nhạc là một tín hiệu đáng mừng.
“Ngoài thị hiếu khán giả, việc nghệ sĩ chăm ra sản phẩm lẻ, chăm làm show case và khát khao biểu diễn ở sân khấu của riêng mình, làm một cách chất lượng… là bước đà để cả thị trường ấm lên và dần chuyển mình”, anh Linh Nguyễn nhìn nhận.
Giá vé cao, vừa mừng vừa lo
Tuy nhiên giá vé giữa các live show, live concert… hiện đang chênh lệch, khiến không ít khán giả cảm thấy chóng mặt, hoang mang, không hiểu các show bán vé theo tiêu chí nào.
Mới nhất, X-Mas Festival in Hanoi bị khán giả chỉ trích giá vé hạng cao nhất lên tới 15 triệu đồng, gấp 1,5 lần giá vé tương tự trong show của BlackPink tại Việt Nam hồi tháng 7. Show Đỗ Bảo Một mình bao la cũng bị một số khán giả chê vé “đắt”.
Hà Thanh Phúc kể tổ chức show trong bối cảnh bây giờ “có nhiều rủi ro và khó khăn hơn trước”. Trước, vé show lớn giá 3 – 4 triệu là “xịn” mà giờ cũng bình thường.
Tương tự, trước giá phụ thu phòng trà cao nhất chỉ khoảng 500.000 – 600.000 đồng giờ lên 1,4 – 2 triệu đồng tùy show.
Cũng do cát sê cho nghệ sĩ giờ cao hơn trước, khiến chi phí show “đội” lên. Chưa kể lạm phát, mất giá.
Linh Nguyễn lý giải: giá vé của một show ca nhạc phụ thuộc vào nhiều yếu tố. Trong đó chi phí cho phần line up (dàn nghệ sĩ, tên tuổi nghệ sĩ), phần production (âm thanh, ánh sáng, sân khấu, kỹ thuật, khâu tổ chức…) sẽ quyết định nhiều nhất.
“Thay vì đánh giá một show diễn dựa trên giá vé, khán giả nên nhìn vào đơn vị tổ chức, nghệ sĩ trình diễn và cuối cùng là trải nghiệm mà mình có được”, Linh nói.
Hà Thanh Phúc chia sẻ thêm: “Nếu có chương trình bán 20, 30 triệu đồng/vé, cũng không sao. Làm gì có ai đúng ai sai.
Giá vé cao, vừa hay thấp thuộc về bài toán kinh doanh của từng nhà tổ chức”. Phúc ví dụ, trong show 1589, ê kíp muốn bùng nổ và an toàn về vé nên chọn mức giá vừa phải, dao động từ 800.000 đến 3 triệu đồng để nhiều khán giả có khả năng tiếp cận.
Nhà sản xuất này đánh giá xu hướng giá vé ngày càng tăng vừa vui vừa đáng lo. Vui vì giá trị âm nhạc đang được định nghĩa lại đúng, khán giả chịu chi cho sở thích của họ, nghệ sĩ có thu nhập để tái đầu tư sản phẩm mới.
“Tuy nhiên giá vé lên, vậy chất lượng show có tương xứng?”, Hà Thanh Phúc đặt câu hỏi. Theo quan sát của anh, đã bắt đầu có hiện tượng show bán vé rất cao nhưng chất lượng “lôm côm, cẩu thả”.
Thêm nữa, hiện không ít những cái bắt tay giữa nhà sản xuất trong nước với quốc tế để đưa sao ngoại về Việt Nam làm show bán vé. Nếu các nhà sản xuất trong nước không chuyên nghiệp, không chỉn chu thì sớm muộn cũng bị đào thải.
Bán vé khó nhất ở TP.HCM, sướng nhất ở Hà Nội
Nhà sản xuất Hà Thanh Phúc cho hay bán vé ở thị trường TP.HCM khó nhất và sướng nhất khi bán vé ở Hà Nội. “Thị trường Hà Nội tiềm năng, khán giả Hà Nội tuy khó tính nhưng chịu chi. Về bán vé, chưa thấy đâu hơn đất Hà Nội”, Phúc nói.
Đó là lý do các nghệ sĩ thích ra Bắc làm show. Số lượng vé bán ra ở Hà Nội cũng nhiều hơn ở TP.HCM. Ví dụ, show 1589, show Một mình bao la, vé bán ra ở Hà Nội cao gấp đôi TP.HCM.