Đó là câu hỏi của PGS. TS. Phạm Xuân Thạch – chủ nhiệm khoa Văn, Đại học Khoa học xã hội và nhân văn, Đại học quốc gia Hà Nội – tại tọa đàm Phong cách sáng tác của đạo diễn, NSND Đặng Nhật Minh, diễn ra trong khuôn khổ Liên hoan phim châu Á Đà Nẵng 2024 (DANAFF II), kéo dài tới hết 6-7.
Trước đó, tại lễ khai mạc DANAFF II, đạo diễn 86 tuổi vừa nhận giải Thành tựu điện ảnh cho sự nghiệp chưa có người thay thế.
[related_posts_by_tax title=""]“Đạo diễn Việt Nam vĩ đại”
Ông Thạch đặt câu hỏi: “Có thực sự ông là một trong những những cá nhân “vượt ra khỏi khuôn khổ thẩm mĩ” của một thời? Hay là một sự “vượt” mang tính nối tiếp của nền mỹ học đang đòi hỏi đổi mới đó?”.
Theo ông Thạch, đạo diễn Đặng Nhật Minh thực hành nghệ thuật hoàn toàn trong khuôn khổ của cái gọi là chế độ bao cấp – thời mà “phản biện xã hội” có lẽ vẫn còn chưa tồn tại.
Thế nhưng ông (cùng với một vài nhà văn khác) đã làm được điều mà ngày nay, điện ảnh không dễ gì làm được.
Đặng Nhật đã “biến phim thành một công cụ để nói và làm xúc động một số lượng người đông nhất có thể về những vấn đề bức thiết đặt ra với một xã hội”.
Ông Thạch đánh giá “đó chính là cái phẩm tính tri thức”.
Và “nhờ phẩm tính đó mà những nghệ sĩ như ông Minh có thể khảm được tiếng nói tác giả của mình vào những văn bản nghệ thuật được tạo nên từ một hệ thống thi pháp và khung tri thức cũ. Họ tìm thấy những khe cửa hẹp để đưa ánh sáng ra ngoài”.
Còn ông Jean Mark Theroanne – đồng sáng lập, đồng giám đốc Liên hoan phim châu Á Versoul (Pháp) – gọi đạo diễn Đặng Nhật Minh là “đạo diễn Việt Nam vĩ đại”, “bậc thầy của điện ảnh Việt Nam”.
Ông Jean Mark Theroanne nhận xét phim của Đặng Nhật Minh thể hiện được cái nhìn rộng lớn về xã hội Việt Nam. Trong đó nổi bật lên hình ảnh những người phụ nữ Việt Nam tỏa sáng, dũng cảm, không ngại hy sinh.
Ông ấn tượng với diễn viên Minh Châu trong phim Cô gái trên sông. Ông cũng dành sự khen ngợi cho Bao giờ cho đến tháng Mười.
Đó là một bộ phim rất đẹp, đã góp phần đưa điện ảnh Việt Nam đến với thế giới và đây cũng là bộ phim đầu tiên được chiếu tại các nước phương Tây sau năm 1975 và đã thắng rất nhiều giải.
Cô Nguyệt, cô Thủy, thầy giáo Khang,… cùng có mặt
Ở phần giao lưu, cô Nguyệt (NSND Minh Châu) phim Cô gái trên sông, cô Thủy (NSND Lan Hương) phim Mùa ổi, thầy giáo Khang (NSND Hữu Mười) và Nam, chồng Duyên (Đặng Lê Việt Bảo) phim Bao giờ cho đến tháng Mười, Lâm (Quang Hải), Toàn (Võ Hoài Nam, Huệ (Mai Thu Huyền) và Lê (Quách Thu Phương) phim Hà Nội mùa đông 46… đều có mặt.
Các nghệ sĩ gửi lời cảm ơn ban tổ chức vì đã tạo ra cuộc gặp này. Trong số họ, có những người lâu lắm rồi không gặp lại đạo diễn Đặng Nhật Minh. Quách Thu Phương nói “có lẽ đây là cơ hội không có lần thứ hai”.
Hai diễn viên Quách Thu Phương và NSND Minh Châu khóc vì xúc động, còn Lan Hương thì tim đập thình thịch vì hồi hộp.
Đặng Nhật Minh từng nói, ông muốn nói về quả trứng chọi đá trong dòng chảy nghiệt ngã của số phận.
Ông quan tâm quả trứng đó như thế nào? Có bị vỡ nát không? Ta nghĩ gì về nó?
Vì thế, những nhân vật xuất hiện trong phim ông, lúc nào cũng đẹp, cũng có gì đó đặc biệt hơn.
Nghệ sĩ Minh Châu kể, vai cô gái điếm tên Nguyệt trong phim Cô gái trên sông như một bước nhảy vọt trong sự nghiệp của bà.
Cũng như một số người, bà từng thắc mắc: Sao phim của Đặng Nhật Minh toàn nói về thân phận những người phụ nữ, có phải do quá yêu phụ nữ không?
Rồi bà cũng tự cắt nghĩa: Các thân phận phụ nữ Việt Nam dễ làm người ta cảm thấy động lòng và Đặng Nhật Minh không nằm ngoài điều đó.
Minh Châu “cảm ơn người anh vì khi tham gia phim anh, khán giả biết tới và yêu mến Minh Châu nhiều hơn”.
Còn nghệ sĩ Lan Hương kể, bà vốn xuất thân là diễn viên sân khấu. Trước khi làm việc với Đặng Nhật Minh, bà rất sợ ống kính nhưng sau Mùa ổi, nỗi sợ ống kính đã vơi bớt.
“Phim anh rất lạ kỳ, chẳng biết sao có những phim xem đi xem lại vẫn không thấy chán”, Lan Hương nói.
Ban đầu, Đặng Nhật Minh không định giao vai thầy giáo Khang cho Hữu Mười vì ông mới đóng giáo Thứ trong phim Làng Vũ đại ngày ấy (1983). Không thể cùng lúc có hai vai đều làm thầy giáo được.
“Tôi mê kịch bản Bao giờ cho đến tháng Mười quá nên bảo không được đóng phim, vậy cho em đi theo làm trợ lý”, Hữu Mười nhớ lại.
Cuối cùng, vì Đặng Nhật Minh không tìm ra ai đóng phù hợp thầy giáo Khang ngoài Hữu Mười nên ông mới có cơ hội tham gia phim này.
Hữu Mười nhận xét, phim của Đặng Nhật Minh thường có câu chuyện nhẹ nhàng, cách kể chuyện nhẩn nha, nhưng rất thấm.
“Tôi rất thích điều đó. Vì thế sau này, tôi đi học khóa đạo diễn điện ảnh, theo gót anh đứng sau máy quay. Cảm ơn anh đã chọn tôi”, “thầy giáo Khang” bày tỏ.
Quang Hải kể, một ngày, anh nhận được cú điện thoại, bên kia đầu dây là đạo diễn, NSND Đặng Nhật Minh đọc bài thơ “Sáng chớm lạnh trong lòng Hà Nội/ Những phố dài xao xác heo may/ Người ra đi đầu không ngoảnh lại/ Sau lưng thềm nắng lá rơi đầy. Cháu ra đây, chú có một vai cho cháu”.
Thế là chàng trai Quang Hải bỏ công việc, ra Bắc cho bằng được vì “quá mê phim Đặng Nhật Minh, mong đợi ngày này đã lâu”.
Thời gian tham gia Hà Nội mùa đông năm 46, Quang Hải đã kịp quan sát cách làm việc tỉ mỉ, cẩn trọng, từ góc máy, chuẩn bị bối cảnh… để “áp dụng được rất nhiều trong sự nghiệp của mình”.
“Đối với chú Đặng Nhật Minh, phim là người và người là phim” – đạo diễn Ngô Quang Hải chia sẻ.
Kết thúc, họ nán lại để ôm nhau, khóc – cười và selfie, rủ nhau “bắn tim”, cùng chúc “đạo diễn Đặng Nhật Minh thật nhiều sức khỏe”.
Người đạo diễn của họ, nay bước chân đi đã yếu, phải có người dìu. Ông nói những gì ông đã làm cho điện ảnh Việt Nam hết sức nhỏ bé.
Đồng thời, ông cũng gửi lời cảm ơn những người bạn, diễn viên, họa sĩ… đã làm phim cùng với ông bởi họ đã cùng nhau tạo ra những thời khắc đẹp của điện ảnh.
Đặng Nhật Minh nói: “Phim của tôi chỉ đề cập đến xã hội, con người Việt Nam, có thể nó không thỏa mãn cho tất cả khán giả, nhưng nếu ai muốn tìm hiểu về đất nước, con người Việt Nam thì có thể tìm đến các tác phẩm của tôi sẽ có cái nhìn khá đầy đủ”.