Trong lúc trò chuyện, ông nói vui ông vẫn “hóng hớt” và quan sát bàn bên cạnh xem họ đang nói gì, làm gì. Bởi biết đâu họ hoặc những câu chuyện của họ gợi một cảm hứng gì cho bộ phim tiếp theo của ông.
Ấn tượng Trần Anh Hùng, khen phim Trấn Thành
* Trước khi sang Việt Nam làm chủ tịch ban giám khảo hạng mục Phim Việt Nam dự thi, đạo diễn Quan Cẩm Bằng có quan tâm đến điện ảnh Việt Nam không?
– Tôi có nhớ mặt vài diễn viên, còn đạo diễn thì tôi ấn tượng Trần Anh Hùng. Trần Anh Hùng ra phim nào tôi đều xem hết.
Lần này sang, rất tiếc vì không gặp được ông ấy. Có điều thật may mắn khi đã gặp vợ Trần Anh Hùng – diễn viên Trần Nữ Yên Khê, cùng là giám khảo liên hoan phim này.
* Còn những phim Việt mà ông xem ở Liên hoan phim châu Á Đà Nẵng năm nay?
– Bên cạnh những phim có tính thương mại mạnh, tôi cũng thấy cả những phim phần nào đó theo hướng nghệ thuật.
Có những phim có góc quay đẹp nhưng vì theo hướng thương mại nên cường điệu hơi nhiều làm mất đi tính nguyên bản, giảm đi những điều mà bộ phim muốn truyền tải.
Tuy nhiên tôi khá ấn tượng với Mai của Trấn Thành. Đó là một phim mà từ kết cấu tới nội dung kịch bản hoặc diễn xuất đều được truyền tải khá tốt. Đặc biệt là sự liền mạch trong cách kể chuyện từ đầu tới cuối phim, cho thấy đạo diễn có một cái nhìn nhất quán và riêng.
Hãy để một khoảng lặng
* Thế hệ ông từng làm phim như thế nào?
– Mỗi người chúng tôi đều cố gắng tìm phong cách riêng. Có người làm phim hài, có người làm phim hành động, nhưng suy cho cùng, ai cũng truyền đạt trọn vẹn câu chuyện; đồng thời để ra một khoảng lặng cho khán giả có thể chiêm nghiệm lại những thông điệp ẩn tàng mà bộ phim mang đến.
* Quan Cẩm Bằng thuộc thế hệ làn sóng mới thứ hai của điện ảnh Hong Kong. Không khí văn nghệ thời đó ra sao?
– Đó là thời mà những đạo diễn trẻ nhận được rất nhiều nguồn tài nguyên và đầu tư để tha hồ làm phim.
Chúng tôi đang tìm phong cách cá nhân thì gặp ngay cái không khí sôi động và nồng nhiệt với điện ảnh đó. Giống như cá gặp nước, tất cả cùng nhau tạo nên những bộ phim không chỉ có sức ảnh hưởng ở Hong Kong mà còn trên thế giới.
* Thỉnh thoảng ông có nhớ Trương Quốc Vinh, Trương Mạn Ngọc, Mai Diễm Phương, Lương Triều Vỹ, Lương Gia Huy… không? Họ của những năm 1980, 1990 ấy…
– Đương nhiên vẫn luôn nhớ. Thời đó họ vừa ra mắt, khán giả chỉ cần nhìn vào gương mặt họ, khoảnh khắc để đời đó của họ thì không quên được.
Đó thực sự là một thời đại quá đẹp. Các đạo diễn, diễn viên trẻ bây giờ ra mắt sản phẩm nào đó để công chúng “ghi nhớ” như vậy chẳng phải là một điều dễ dàng.
Nam hay nữ thì cũng là câu chuyện về thân phận con người
* Đã lâu lắm rồi không thấy ông ra phim, kể từ Trường hận ca (2005). Ông đang ấp ủ dự án nào không?
– Thực ra đã quay xong một bộ phim tên Tám người phụ nữ một vở kịch (hợp tác với các nhà sản xuất, nhà đầu tư từ đại lục) nhưng không biết vì lý do gì phim vẫn chưa được ra mắt.
* Sau Trường hận ca, ông tuyên bố sẽ làm phim Mai Lan Phương, kể về cuộc đời của bà, Lương Triều Vỹ cũng đã đồng ý tham gia. Số phận của dự án đó sao rồi?
– Đã dừng lại vì nguồn đầu tư.
* Quan Cẩm Bằng mà cũng gặp khó với tiền sao?
– Đến giai đoạn này, tôi nghĩ việc ngồi bên những nhà làm phim trẻ, xem họ làm rồi chỉ dẫn cho họ cũng là trải nghiệm không tệ chút nào.
Chưa kể ngoài làm nhà sản xuất, ở Hong Kong, tôi còn là một giáo sư đại học. Nói chung cũng rất bận rộn.
* Nhiều nhà phê bình và cả khán giả nữa nhận xét điện ảnh của Quan Cẩm Bằng là điện ảnh của phụ nữ. Ông nghĩ gì?
– Có lẽ điều này liên quan đến hoàn cảnh của tôi. Năm 14 tuổi, cha tôi qua đời. Mẹ tôi phải gồng gánh nuôi 5 anh em tôi nên người.
Mẹ tôi vừa làm mẹ vừa làm cha, nhưng tôi chưa bao giờ nghe bà phàn nàn. Lắm khi tôi thấy sự mạnh mẽ và giới tính của bà không liên quan gì tới nhau. Tôi rất khâm phục mẹ tôi, khâm phục những người phụ nữ nói chung.
Nhưng thực ra một nhà làm phim không nhất thiết phải gồng lên nói mình làm phim cho nữ giới hay nam giới đâu. Nữ hay nam thì đó vẫn là những câu chuyện về thân phận con người mà thôi.
* Nhiều diễn viên nữ từng mong được đóng phim của Quan Cẩm Bằng, bởi phim của ông giúp họ tỏa sáng. Ngược lại cũng nhờ họ nên ông mới có thể thực hiện giấc mộng điện ảnh của mình giai đoạn đó chứ?
– Trong một bộ phim, việc đạo diễn hay diễn viên có giúp nhau đạt được mục đích hay không thì tôi nghĩ nên đặt sang một bên trước.
Hồi đó tôi rất hay trò chuyện với diễn viên như những người bạn, vì vậy việc quay phim đã diễn ra khá dễ dàng. Tôi cũng không áp đặt diễn viên phải răm rắp làm theo kịch bản, tôi cho họ mang trải nghiệm và cảm xúc của họ vào nhân vật để tạo nên những đặc sắc riêng.
Thời đại rực rỡ đã qua, nên chấp nhận
* Dường như những nhân vật trong phim của ông thường sống trong một giấc mộng nào đó. Còn Quan Cẩm Bằng, ông có đang bị “mắc kẹt” trong một giấc mộng nào không?
– Tôi khá hài lòng với cuộc sống của tôi. Từ khi tôi bắt đầu sự nghiệp đến nay, tôi đều có những nhà đầu tư, có cơ hội để quay được những bộ phim mà tôi mong muốn.
Những ước muốn điện ảnh của tôi, về cơ bản, tôi đều có cơ hội và tài nguyên để làm. Nghĩ lại, với cuộc sống này, tôi cũng chẳng có điều gì “mắc kẹt” hay mơ mộng cả. Nói chung, đối với cuộc đời, tôi phải cảm ơn.
* Phim Cửu Long thành trại: Vây thành rất ăn khách, được cho là nỗ lực vực lại điện ảnh Hong Kong. Ông có đồng ý quan điểm này? Sau thế hệ ông, điện ảnh Hong Kong im ắng hẳn. Theo ông, lý do là gì?
– Tôi có xem Cửu Long thành trại: Vây thành. Đó là một phim mang hơi hướng 1980 – 1990 nhưng đồng thời đưa ra chiêu thức mới, khiến khán giả phải “ồ nó có cảm giác hoài niệm nhưng thỏa mãn sự mới mẻ trong đó”.
Tất nhiên một phim thì chưa thể thấy thành làn sóng nào đáng kể. Thời đại khác nhau tạo ra những thành quả khác nhau.
Trailer phim Lam Vũ
Thời của tôi, các tài nguyên đầu tư cho điện ảnh quá ư dồi dào. Nhưng bây giờ, bạn thấy rồi đấy, kinh tế Hong Kong đã đi xuống, đâu còn phát triển như trước. Việc các đạo diễn bây giờ có nhận đầu tư từ chính phủ thì cũng chưa đủ để làm phim.
Thứ nữa, ngày xưa, việc kiểm duyệt không chặt chẽ. Giờ việc làm ra một bộ phim thôi đã vất vả, còn thêm cả duyệt phim nữa thì quá là khó khăn. Tôi cũng thấy tiếc, nhưng thực sự không còn cách gì cả. Thời đại rực rỡ ấy đã qua, nên chấp nhận thôi.
* Và Quan Cẩm Bằng, Vương Gia Vệ, Ngô Vũ Sâm, Trần Khả Tân, Trần Quả… chỉ là “chứng nhân” của một thời đã qua?
– Điều quan trọng nhất khi làm phim là có thể thể hiện được cá tính, góc nhìn của mình và tôi đã làm được.
Có lẽ tôi là người may mắn khi được sống và làm nghệ thuật trong một thời đại quá đẹp. Chúng tôi có một không gian rộng lớn để thỏa sức vẫy vùng, sắp đặt và kể những câu chuyện theo ý mình.
Nhưng giờ tôi vẫn đang ấp ủ quay phim đấy. Tôi có một kịch bản nhưng cần trau chuốt thêm. Vì thế, thời gian này tôi tập trung bồi dưỡng lớp đạo diễn trẻ. Tôi sẽ quay phim mới, chỉ là chưa xác định được thời gian chính xác thôi.
Quan Cẩm Bằng sinh năm 1957 tại Hong Kong, được biết đến với nhiều phim như Địa hạ tình, Yên chi khâu, Nguyễn Linh Ngọc, Hoa hồng đỏ hoa hồng trắng, Lam Vũ, Trường hận ca...
Phim của ông thường miêu tả tâm lý của phụ nữ rất tinh tế, tạo ra những nhân vật, lời thoại, ca khúc kinh điển cho điện ảnh Hoa ngữ, giúp nhiều diễn viên tỏa sáng như Mai Diễm Phương, Trương Mạn Ngọc, Khâu Thục Trinh, Trịnh Tú Văn…
Năm 2011, Quan Cẩm Bằng được Kim Mã xếp ở vị trí thứ 11 trong 20 đạo diễn xuất sắc nhất lịch sử điện ảnh Hoa ngữ, bên cạnh những tên tuổi lớn như Hầu Hiếu Hiền, Vương Gia Vệ, Lý An, Trương Nghệ Mưu, Trần Khải Ca, Giả Chương Kha, Ngô Vũ Sâm, Từ Khắc, Châu Tinh Trì…