Lẽ gì không thử nhìn lại dòng phim về lòng yêu nước, dòng máu anh hùng của người Việt Nam.
Trong quá khứ, đó là dòng phim chiến tranh cách mạng do Nhà nước sản xuất với mục đích tuyên truyền, mang lại nhiều tác phẩm điện ảnh giá trị, có những tác phẩm trở thành kiệt tác, di sản đáng quý của nền điện ảnh còn non trẻ.
[related_posts_by_tax title=""]Còn hiện nay, cần trông đợi các công ty tư nhân có nguồn lực sản xuất để làm nên những bộ phim hoành tráng, mãn nhãn, có tính thương mại cao hơn và tiến tới chiếu ra thế giới.
Dòng máu anh hùng trong những bộ phim
Mới đây, Dòng máu anh hùng được kêu gọi ra rạp trở lại với sự ủng hộ của một bộ phận khán giả. Đạo diễn Charlie Nguyễn và diễn viên chính Johnny Trí Nguyễn bắt tay vào thực hiện bản redux, một hành trình mà theo Charlie Nguyễn cũng sẽ rất dài và nhiều công đoạn.
Ra đời cách đây 17 năm, Dòng máu anh hùng có những hạn chế về kỹ thuật quay phim, làm phim của giai đoạn đó, nhưng anh muốn hoàn thành công việc này vì sự chờ đợi của khán giả.
Để hoàn thiện, anh cần chỉnh sửa những shot quay ngày trước chỉ có 35mm, phải đợi khi rửa phim xong thì mới kiểm tra được, không có điều kiện quay lại nên phim có những cảnh mà độ nét không bén.
Giờ đây, công nghệ AI giúp anh khắc phục hết những lỗi của bản phim ngày trước.
Gần đây, bộ phim cũng trở lại với khán giả yêu điện ảnh qua một số buổi chiếu trong khuôn khổ các sự kiện điện ảnh như Liên hoan phim quốc tế TP.HCM (HIFF) vào tháng 4, buổi giao lưu Cinephile tại TP.HCM vào cuối tháng 4 và chương trình Du lịch – Điện ảnh và Thể thao: Tự hào bản sắc Việt tại Bình Định (tổ chức vào tháng 8).
Đạo diễn Charlie Nguyễn đều dự các buổi chiếu này và giao lưu với khán giả.
Điều khiến anh thấy hy vọng nhất là dưới lời kêu gọi chiếu lại Dòng máu anh hùng, khá nhiều khán giả bình luận cho biết họ… chưa xem phim.
Điều đó cho thấy bộ phim vẫn còn mới mẻ với một bộ phận không nhỏ khán giả và đáng để bỏ công sức làm một bản redux với chất lượng thật tốt.
Dòng máu anh hùng là một bộ phim đến từ quá khứ nhưng chất lượng võ thuật, làm phim đạt chuẩn quốc tế và vẫn khá hiện đại nếu xem ở Việt Nam hôm nay. Và trong tương lai, các nhà làm phim Việt cũng rất mong muốn nối dài dòng phim ý nghĩa này.
“Tôi biết có rất nhiều bộ phim, dự án đã và đang được phát triển nhằm nêu cao tinh thần dân tộc. Tôi hy vọng các dự án đó sẽ nhận được điều kiện để đi vào sản xuất”, Charlie Nguyễn nói với Tuổi Trẻ.
Ngược dòng quá khứ hơn nữa, phim về lòng yêu nước là những “di sản” quan trọng của điện ảnh Việt.
Khi chọn bìa một cho bản tái bản cuốn sách 101 bộ phim Việt Nam hay nhất (NXB Thế Giới ấn hành tháng 6-2024), nhà báo – nhà phê bình điện ảnh Lê Hồng Lâm cân nhắc giữa các lựa chọn và cuối cùng vẫn chọn hình ảnh “đôi mắt thăm thẳm như hồ thu” của chị Duyên (Lê Vân) trong Bao giờ cho đến tháng mười (năm 1984) của đạo diễn Đặng Nhật Minh – bộ phim được coi là kiệt tác của điện ảnh Việt Nam.
Sau 40 năm, bộ phim vẫn là một tượng đài, không chỉ được công nhận trong nước mà còn trên thế giới.
Đó là một bộ phim phản ánh trọn vẹn vẻ đẹp của con người Việt Nam, “dòng máu anh hùng” thiêng liêng nhưng cũng rất bình dị và đời thường của người Việt Nam – từ người chiến sĩ trên chiến trường khói lửa đến người vợ một lòng thương nhớ ở làng quê nghèo hậu phương.
Dòng máu ấy luôn cuộn chảy rực đỏ trong cả thời chiến lẫn thời bình, khiến người xem thêm yêu nước và yêu thương con người. Trong chiến tranh, không chỉ người ra trận mà người ở quê nhà cũng là những anh hùng.
Còn hôm nay, nhìn vào cách giới trẻ có thể đẩy dư luận về bộ phim Đào, phở và piano thành cơn sốt điện ảnh lớn, xuất phát từ một video bình luận trên TikTok của một bạn trẻ, có thể thấy nhu cầu xem phim về chiến tranh cách mạng và lòng yêu nước của khán giả vẫn rất “sôi sục”.
Bộ phim có bối cảnh Hà Nội những ngày cuối cùng của năm 1946 và cái Tết Nguyên đán 1947 giữa bom rơi đạn lạc, với người lính cảm tử quân và nàng tiểu thư Hà thành chân yếu tay mềm nhưng cũng có “dòng máu anh hùng”, mang tinh thần “Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”.
Khi người lính cảm tử bị xe tăng địch cán chết, người vợ của anh – cô tiểu thư Hà thành – đã thay chồng làm nhiệm vụ cảm tử.
Khi ôm bom ba càng lao vào xe tăng, cô mặc trên người tà áo dài trắng, một mảnh áo bay lên khi thân xác con người đã tan thành tro bụi.
Hình ảnh phần nào gợi nhớ đến bộ phim Áo lụa Hà Đông, khi chị Dần (Trương Ngọc Ánh) điên cuồng lần giở từng tấm chiếu phủ xác người sau vụ đánh bom ở trường học, và gào khóc khi thấy xác con gái mình trong tà áo dài trắng.
Đó là tà áo dài mà các con gái chị thay phiên nhau mặc đi học, gắn liền với nỗi cơ cực, gian truân nhưng cũng đầy ấm áp và tình thương của gia đình chị.
Bộ phim đầy đau thương, nhưng cuối cùng đọng lại vẫn là tâm hồn thanh sạch và bao dung của người phụ nữ Việt Nam nói riêng, người Việt Nam nói chung, giữa lửa đạn chiến tranh. Và đọng lại là câu hỏi “Hòa bình đẹp không bố?” của đứa trẻ thơ ngây.
“Con người ta trong thời loạn, chết đi mấy lần, nhưng chỉ sống một lần thôi” – câu nói của người cha Gù (Quốc Khánh) trong Áo lụa Hà Đông cũng nói lên ý chí sống quật cường của người dân Việt Nam.
Di sản điện ảnh, di sản lòng yêu nước
Từ thập niên 1960 đến thập niên 2010, điện ảnh Việt Nam đã liên tục sản sinh ra những bộ phim về lòng yêu nước có giá trị lâu bền.
Đó là Chị Tư Hậu, Nổi gió, Vĩ tuyến 17 ngày và đêm, Em bé Hà Nội, Sao tháng Tám, Biệt động Sài Gòn, Bao giờ cho đến tháng mười, Tuổi thơ dữ dội, Hà Nội mùa đông năm 46, Hà Nội 12 ngày đêm, Ngã ba Đồng Lộc, Áo lụa Hà Đông, Dòng máu anh hùng, Mùi cỏ cháy, Những người viết huyền thoại…
Nhiều năm trở lại đây, những bộ phim Nhà nước làm với mục đích tuyên truyền không còn được phổ biến rộng rãi mà hầu như chỉ chiếu hạn chế tại các rạp thuộc Nhà nước và các liên hoan phim, hầu như chỉ có Đào, phở và piano mang tính đại chúng và được chiếu ra rạp thương mại vì nhu cầu của khán giả. Điều này khá đáng tiếc vì những thước phim ấy cũng chứa đựng tâm huyết của người làm phim nhưng lại chịu số phận xếp kho.
Mới đây nhất, Hãng phim Giải Phóng muốn vận động để chiếu Vầng trăng thơ ấu – bộ phim về tuổi thơ của Bác Hồ – ở rạp thương mại nhưng chưa có quyết định từ Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch.
Với nhân vật chính là cậu bé Nguyễn Sinh Cung thuở nhỏ đầy thông minh, hoạt bát và yêu nước thương nòi, cùng nội dung cảm động, thấm đẫm tình mẫu tử, phim rất phù hợp để chiếu cho người dân Việt Nam mọi lứa tuổi và có thể là chiếu cho bạn bè quốc tế.
Và như vậy, điện ảnh về lòng yêu nước của một đất nước chính là hành trình yêu nước và đấu tranh của chính quốc gia, dân tộc đó. Không phải ngẫu nhiên mà khán giả trẻ cũng đồng cảm được với các bộ phim chiến tranh với câu chuyện về một thời xa xôi.
Họ không chỉ thấy sự hy sinh của ông cha, tổ tiên mình trong đó mà còn thấy dòng máu yêu nước và anh hùng chảy trong người mình được hun đúc, cổ vũ. Họ cũng mong muốn dòng máu ấy được truyền lại cho những đời sau.
Một nhân vật tiêu biểu của điện ảnh Việt là đạo diễn – NSND Đặng Nhật Minh.
Tháng 7 vừa qua, trong tọa đàm về phong cách sáng tác của ông tại Liên hoan phim châu Á Đà Nẵng (DANAFF) lần thứ hai, nhà báo Đinh Trọng Tuấn, nguyên tổng biên tập tạp chí Thế Giới Điện Ảnh, nhìn nhận giá trị điện ảnh Đặng Nhật Minh là “thân phận con người trong dòng chảy lịch sử dân tộc”.
Ông cho rằng nếu xâu chuỗi các tác phẩm điện ảnh của Đặng Nhật Minh theo mốc thời gian, chúng ta sẽ thấy một dòng chảy lịch sử cách mạng Việt Nam.
Ông Tuấn viết: “Đạo diễn Đặng Nhật Minh đã xây dựng, khắc họa thành công một loạt nhân vật, đã miêu tả sống động từng thân phận con người gắn với từng giai đoạn lịch sử. Đó là hình tượng Hồ Chí Minh trong phim Hà Nội mùa đông năm 46; đó là nhân vật ông Hòa, cô Thủy trong phim Mùa ổi;
Đó là chị Đặng Thùy Trâm trong phim Đừng đốt; đó là cô Nguyệt, ông Thu trong phim Cô gái trên sông; đó là chị Duyên, thầy giáo Khang trong phim Bao giờ cho đến tháng mười; đó là chị Ngữ, em Nhâm của phim Thương nhớ đồng quê; đó là nhà báo Vũ, cô giáo Thanh trong phim Thị xã trong tầm tay…“.
Bên cạnh lòng yêu nước và sự cao cả, phim Đặng Nhật Minh luôn có yếu tố phản biện đầy dũng cảm, mạnh mẽ, sâu sắc và lay động về xã hội, lịch sử và con người Việt Nam.
Và nói cho cùng, sự dũng cảm đó của người nghệ sĩ – nhà làm phim khi đào sâu những đề tài khó cũng cho thấy ông mang trong mình “dòng máu anh hùng”, được truyền lại từ người cha – giáo sư, bác sĩ Đặng Văn Ngữ, một con người tài năng và đức độ đã hy sinh trên chiến trường khi đang nghiên cứu căn bệnh sốt rét.
Ước mơ Dòng máu anh hùng 2 của anh em Charlie – Johnny
Chia sẻ với Tuổi Trẻ, Charlie Nguyễn kể anh có ước mơ làm Dòng máu anh hùng phần 2 sau khi hoàn thành phần 1. Phần 2 sẽ không tiếp nối phần 1.
Johnny Trí Nguyễn, em trai anh, chắc chắn sẽ tham gia với vai chính là “Nhạn trắng Cà Mau” tức võ sư Nguyễn Chánh Minh – một nhân vật có thật và chính là ông nội của hai anh em.
Hiện tại câu chuyện của Dòng máu anh hùng đang được hai anh em phát triển, chưa có người thứ ba tham gia, nhưng các thành viên trong công ty của họ cũng có những góp ý.
Charlie Nguyễn cho rằng cái khó với dòng phim chiến tranh, yêu nước là thường ngân sách rất cao. “Nếu không có rào cản đó thì rất nhiều dự án phim về tinh thần dân tộc, lòng yêu nước đã được sản xuất rồi.
Mọi người đang phát triển nhưng chưa đủ điều kiện để sản xuất, cơ hội còn rất hiếm. Nhưng từ khía cạnh nhà làm phim thì tôi thấy họ suy nghĩ rất nhiều”, anh nói.
Với Dòng máu anh hùng 2, anh muốn chờ đợi ngân sách đủ lớn để làm đúng như những gì mình mong muốn, dù điều đó là rủi ro với nhà đầu tư.