Đêm nhạc Trịnh Công Sơn: Khúc ca hòa bình diễn ra tối 13-7, có sự tham gia của các nghệ sĩ Trịnh Vĩnh Trinh, Cẩm Vân, Quang Dũng, Đức Tuấn, Viết Thu, An Trần, Cece Trương, nghệ sĩ violon Hàn Quốc Jmi Ko, ca sĩ gốc Mỹ Kyo York…
Chương trình nằm trong khuôn khổ Lễ hội Vì hòa bình 2024, lần đầu được tổ chức tại tỉnh Quảng Trị.
[related_posts_by_tax title=""]Trịnh Vĩnh Trinh: “Anh Sơn là người vui nhất”
Ông Hoàng Nam – phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị, trưởng ban tổ chức Lễ hội Vì hòa bình 2024 – chia sẻ, từng là vùng đất hủy diệt bởi chiến tranh, Quảng Trị đang mạnh mẽ hồi sinh.
Lễ hội tri ân những anh hùng liệt sĩ đã hy sinh vì sự trường tồn của Tổ quốc, tưởng niệm những nạn nhân của chiến tranh và truyền đi một thông điệp mạnh mẽ về sức sống của dân tộc Việt Nam yêu chuộng hòa bình, con người Việt Nam hòa hiếu, bao dung, nhân nghĩa và cùng chung tay với thế giới kiến tạo hòa bình, đặc biệt trong tình hình thế giới có nhiều phức tạp như hiện nay.
Ông nói trên miền đất thiêng đang nở những đóa hoa hòa bình. Và “hòa bình không chỉ là trạng thái không có xung đột, không có chiến tranh mà còn là sự tôn trọng, bình đẳng, hữu nghị, hợp tác giữa các quốc gia và dân tộc, là tình yêu giữa con người với con người”.
Đại diện ban tổ chức nói nhạc sĩ Trịnh Công Sơn có những ca khúc gắn với khát vọng hòa bình, thống nhất đất nước.
Nhạc Trịnh là dòng nhạc không có biên giới, gắn kết những người không cùng màu da, tiếng nói vì một cõi đời chỉ có hòa bình và tình yêu.
Theo ông Nam, với Quảng Trị, nhạc sĩ Trịnh Công Sơn có nhiều duyên nợ. Ông có bài Người mẹ Ô Lý – viết về một bà mẹ Quảng Trị mà nhạc sĩ đã gặp trong những năm tháng chiến tranh. Sau ngày thống nhất, nhạc sĩ cũng đến với Quảng Trị và có bút ký Nam Thạch Hãn những ngày đầu tháng ba với những dự cảm về tương lai tươi sáng của vùng đất này.
“Hơn 40 năm kể từ ngày nhạc sĩ Trịnh Công Sơn có mặt, dự cảm của ông đã thành hiện thực. Mảnh đất Quảng Trị nhiều đau thương đang vươn lên trên đống hoang tàn, đổ nát của chiến tranh, trở thành nơi hội tụ của tình yêu thương và khát vọng hòa bình bất diệt”.
Ca sĩ Trịnh Vĩnh Trinh – em gái nhạc sĩ Trịnh Công Sơn – nhìn nhận chiến tranh là một nỗi đau lớn và hòa bình là một khúc ca mà nhân loại đều khao khát.
“Hòa bình lúc nào cũng đi liền với khát vọng tự do, độc lập của mỗi dân tộc. Như cha chúng tôi – người đã vì hòa bình và độc lập của đất nước mà vào tù ra khám khi đi theo Việt Minh rồi cuối cùng mất trên mảnh đất Quảng Trị đầy yêu thương nên gia đình luôn có những tình cảm đặc biệt dành cho Quảng Trị”, bà Trịnh Vĩnh Trinh chia sẻ.
Theo bà, nhạc Trịnh không chỉ có những bản tình ca đẹp mà còn là bản tình ca của hòa bình, tình yêu thương và thân phận con người. Vì thế, những ca khúc da vàng vang lên trên mảnh đất Quảng Trị rất phù hợp.
“Với chúng tôi, một thế hệ lớn lên trong chiến tranh, Khúc ca hòa bình là chương trình còn ý nghĩa đặc biệt, nhất là sang năm, kỷ niệm 50 năm thống nhất đất nước”, ca sĩ Trịnh Vĩnh Trinh nói “đêm nay, anh Sơn chắc chắn sẽ vô cùng hạnh phúc và tự hào, anh là người vui nhất”.
Ca khúc da vàng vang trên đất thiêng Quảng Trị
Quảng Trị với vĩ tuyến 17 chia đất nước thành hai miền Nam – Bắc, chia đôi những làng mạc, chia đôi những gia đình… nay đã về một mối nguyên vẹn.
Trên mảnh đất thiêng, loạt ca khúc da vàng viết về khát vọng hòa bình và thân phận con người của nhạc sĩ họ Trịnh vang lên có một sự đồng vọng đặc biệt.
Hát Người già và em bé, Xin mặt trời ngủ yên, Hành hương trên đồi cao, ca sĩ Cẩm Vân – chất giọng dày, trầm khàn đầy nội lực vẫn ở đó, vững chãi, đầy tự sự như một người giữ lửa của thời gian.
Giang Trang và nghệ sĩ guitar Vĩnh Tâm gửi đến bản Người mẹ Ô Lý mộc mạc và vẫn đầy chất riêng. Đức Tuấn, Tấn Sơn hát Xin cho tôi, Ta thấy gì đêm nay, Có những con đường… vừa tròn. Ca sĩ người Mỹ Kyo York hát Hãy yêu nhau đi ở Quảng Trị nối dài thêm thông điệp hòa bình.
Nhưng những người trẻ mới cho thấy nhạc Trịnh đang chảy và tái sinh trong sinh mệnh của nó. Màn đối thoại của Cẩm Vân và con gái Cece Trương – hai thế hệ nghệ sĩ – khi cùng thể hiện ca khúc Ca dao mẹ mang đến một cảm xúc đặc biệt.
Với Chờ quê hương sáng chói, Viết Thu hát ca khúc da vàng bằng tâm thức của tuổi 30 đã chớm những già dặn và chiêm nghiệm. Cece Trương và saxophone An Trần cũng có một đối thoại đầy hồn nhiên với Ngẫu nhiên.
Không chỉ ca khúc da vàng, trong đêm Khúc ca hòa bình, Quang Dũng gửi đến hai bản nhạc tình quen thuộc là Diễm xưa và Còn tuổi nào cho em.
Giây phút nghệ sĩ Trần Mạnh Tuấn xuất hiện sau bạo bệnh và song tấu saxophone cùng con gái An Trần bài Hạ trắng cũng để lại nhiều xúc động.
Đêm nhạc kết lại bằng các bản hòa ca Đồng dao 2000, Nối vòng tay lớn. Trên sân khấu, hình ảnh cố nhạc sĩ cùng cây đàn guitar vang lên từ miền u tịch được nối vào bởi tiếng hát hôm nay.