Những ngày qua, các phát ngôn của hoa hậu Huỳnh Trần Ý Nhi đã tạo nên làn sóng thảo luận khá tiêu cực trên mạng xã hội. Bên cạnh nhóm anti-fan lớn nhất với 578.000 thành viên, còn một vài nhóm nhỏ hơn với 128.000 hay 12.000 thành viên.
Trao đổi với Tuổi Trẻ, TS Lê Nguyên Phương (tiến sĩ về lãnh đạo giáo dục và tâm lý giáo dục tại Đại học Southern California, Mỹ và tác giả sách Dạy con trong hoang mang) và TS Phạm Hải Chung (tiến sĩ chuyên ngành truyền thông tại Đại học Bournemouth, Anh, hiện công tác tại Viện đào tạo báo chí và truyền thông, Đại học Khoa học xã hội và nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội nhìn nhận các khía cạnh về giáo dục và văn hóa ứng xử trong vụ việc.
[related_posts_by_tax title=""]Đừng để bàn luận biến thành thù hằn
Các chuyên gia đều cho rằng vụ việc là biểu hiện của một vấn đề phức tạp hơn nhiều, và chúng ta nên cùng nhìn nhận khái quát chứ không chỉ về tập trung vào cá nhân một hoa hậu.
TS Lê Nguyên Phương nhận định mọi người đều có quyền nêu lên chủ kiến của mình trong mọi vấn đề. Theo ông, không chỉ giới chuyên môn trong một ngành thì mới có quyền bàn luận về ngành đó. Đó là một quan niệm mang tính “đặc quyền tinh hoa” và thậm chí lẫn lộn giữa ý kiến, thông tin hay kiến thức.
“Tuy nhiên, tôi cho rằng những người tham gia thảo luận nên tập trung phản biện vấn đề chứ không phải công kích hay miệt thị cá nhân. Việc phê phán thậm chí gay gắt cũng không cần phải sử dụng các từ ngữ xúc phạm hay khiêu khích.
Nhiều khi đọc một vài lời phê phán tôi có cảm nhận dường như người viết có thù hằn gì đó riêng tư với người bị tấn công. Nếu thuần túy là ý kiến riêng thì hãy tôn trọng, cười rồi bỏ qua, chứ không cần ép buộc người khác phải đồng ý với mình”, ông đề nghị.
Thêm vào đó, khi phê phán một phát ngôn hay lỗi lầm của một con người, ông Phương cho rằng điều chúng ta nên hướng đến là đặt những giả thuyết về nguyên nhân và tập trung vào giải quyết vấn đề thay vì “mắc kẹt trong phê phán”.
Ông Phương nói: “Mục đích cuối cùng đối với tôi khi quan sát một hiện tượng đáng phê phán là tìm ra giải pháp tốt nhất. Mạng xã hội có thể là một nơi tiện lợi để thảo luận các vấn đề, nhưng nó cũng dễ dẫn đến những cuộc tranh luận thiếu tôn trọng và không xây dựng. Tuy nhiên đó không phải là lỗi của mạng xã hội, cũng như không phải lỗi của con dao khi nó bị dùng để đâm người”.
“Anti-fandom”: Khi tiếng dữ đồn rất xa
TS Phạm Hải Chung nhìn nhận từ góc độ “anti-fandom” cho rằng: “Một phát ngôn gây sốc hay hành động thiếu suy tính chỉ cần vài phút là đã có thể khiến các nhóm anti-fan xuất hiện, có thể đồng loạt hủy hoại lợi ích kinh tế, danh tiếng và thậm chí “tấn công” hay “bức tử” một người nổi tiếng.
Các nhóm anti-fan thường có thành viên thật sự không ưa người nổi tiếng đó, nhưng cũng có những người chỉ tham gia theo trào lưu và hòa theo đám đông, bắt “trend” từ các group này. Phát ngôn gây thù ghét cũng từ đó mà được châm ngòi và lan tỏa”.
TS Phạm Hải Chung nhìn nhận câu chuyện của hoa hậu Ý Nhi và phong trào “anti-fandom” là những ví dụ điển hình về tầm quan trọng của việc xây dựng danh tiếng và văn hóa ứng xử trong không gian mạng.
Người nổi tiếng xây dựng danh tiếng và thu được lợi ích kinh tế chủ yếu nhờ mối quan hệ tốt đẹp với công chúng của họ. Điều đáng lưu ý là danh tiếng này có thể lan tỏa tích cực hoặc tiêu cực một cách nhanh chóng trên không gian mạng. Mọi hành động, dấu ấn của họ đều được “vẽ” và “tường thuật” trên mạng xã hội, trở thành chủ đề đàm tiếu.
Nói một cách khác là trên mạng tiếng lành đồn xa, nhưng tiếng dữ có thể đồn rất xa.
“Tiếng “dữ”, những nhận xét tiêu cực có thể lan truyền và lan tỏa xa hơn những lời khen ngợi tích cực. Điều này thể hiện rõ sức mạnh của truyền thông và tầm ảnh hưởng cũng như mặt trái của mạng xã hội. Chính vì vậy, văn hóa ứng xử với công chúng trở nên vô cùng quan trọng và đòi hỏi sự cẩn trọng và tinh tế từ người nổi tiếng”, TS Phạm Hải Chung nói.
Đừng “thần thánh hóa” hoa hậu
Lâu nay, hoa hậu thường được kỳ vọng như những cá nhân có cả sắc đẹp lẫn tài đức. Vấn đề là, một cuộc thi kéo dài vài tháng rất khó chọn được một cá nhân chắc chắn hội đủ các yếu tố này. MC Phương Mai đặt câu hỏi trên trang cá nhân: “Chúng ta có đang thần thánh hóa hai chữ “hoa hậu” không?”.
Cô phân tích: “Hoa hậu chẳng phải là đại diện tinh hoa của một quốc gia, đơn giản là một nghề như bao nghề khác trong giới văn hóa nghệ thuật. Diễn viên đi đóng phim, ca sĩ đi hát, người mẫu đi catwalk… thì hoa hậu đi sự kiện, đóng quảng cáo hay làm bất kỳ công việc gì được thuê trong phạm vi tài năng của bản thân”.
Theo TS Lê Nguyên Phương, khi thấy những phát ngôn phản cảm của một hoa hậu thì chúng ta có thể giả định là có sự bất toàn trong quy trình tuyển lựa hoa hậu; hoặc một giả định khác là các phát ngôn đã bị cắt xén hoặc cắt khỏi ngữ cảnh nên không phản ánh được trọn vẹn suy nghĩ của người nói.
Về sự bất toàn của quá trình tuyển lựa hoa hậu, ông nhận xét: “Tài sắc vẹn toàn cũng có thể có nhưng nếu những cuộc thi hoa hậu chỉ ưu tiên phần thi sắc và chỉ làm lấy lệ phần thi tài, trong đó khó nhất là tri thức và nhân cách, thì đương nhiên những phát biểu như vậy sẽ còn xảy ra”.
Một số người cho rằng người của công chúng phải phát ngôn thấu đáo và có văn hóa. Nhưng tiêu chí của những điều đó lại không rõ ràng. Ông Lê Nguyên Phương nêu quan điểm ngoại trừ những người tự đắc với tiền quyền, hầu hết chúng ta đều cố gắng phát ngôn trong tầm hiểu biết và nhân cách của mình.
Ông nhận định: “Mỗi người sẽ tự học bài học của mình qua va chạm với tha nhân, dù là cá nhân hay tập thể, dù trực tiếp hay qua mạng. Việc phê bình khách quan và cảm thông sẽ giúp cho người được phê bình nhiều hơn những lời chế giễu hay miệt thị”.
Diễn viên Hồng Phượng bị anti-fan đòi cắt sóng
Hồi tháng 7, sau khi game show 100% phát sóng trên HTV7 với sự tham gia của nghệ sĩ Hồng Phượng – cháu gái cố nghệ sĩ Vũ Linh, fanpage Đài truyền hình HTV đã bị tấn công bằng hàng ngàn ý kiến na ná nhau. Nhiều người không muốn Hồng Phượng tham gia các chương trình truyền hình sau những lùm xùm tranh chấp trong gia đình cố nghệ sĩ Vũ Linh.
Ngay sau đó, HTV đăng thư ngỏ: “Đài truyền hình TP.HCM luôn coi trọng ý kiến đóng góp của khán giả và cam kết tiếp thu và xử lý tất cả các ý kiến đóng góp một cách nghiêm túc và chuyên nghiệp”. Sự việc sau đó dần yên ắng trở lại.
Sóng gió của hoa hậu Ý Nhi
Đăng quang Hoa hậu thế giới Việt Nam 2023 gần hai tuần, hoa hậu Huỳnh Trần Ý Nhi gặp nhiều sóng gió vì những phát ngôn bị cho là tự cao, thiếu kiến thức và thiếu khéo léo. Nhiều nhóm anti-fan xuất hiện với số thành viên rất lớn.
Điều này cho thấy “quyền lực ngầm” của cộng đồng mạng. Việc một hoa hậu đăng quang, ngoài sự công nhận của ban giám khảo, còn vấp phải sự đánh giá của khán giả. Tuy nhiên, không phải người dùng mạng xã hội nào cũng tỉnh táo tiếp nhận thông tin đã qua kiểm chứng.
Cộng đồng mạng còn yêu cầu ban tổ chức Hoa hậu thế giới Việt Nam 2023 tước vương miện của Ý Nhi, thậm chí tước suất thi Miss World 2024. Tuy nhiên, việc này phụ thuộc vào quy định riêng của ban tổ chức.