Sau một Inside Out (Những mảnh ghép cảm xúc) đã rất tròn trịa và xúc động vào năm 2015, sẽ rất khó để Pixar làm nên phần hậu truyện Inside Out 2 sao cho vừa hoài niệm vừa tươi mới cho cả những ai yêu thích phim và những ai chưa từng xem phim.
Nhân vật Riley – cô bé con 11 tuổi ngày nào – nay vừa dậy thì và sắp vào trung học. “Dậy thì” là hai chữ quan trọng đánh dấu bước ngoặt các cảm xúc của Riley trở nên phức tạp, hỗn loạn hơn so với thời thơ ấu.
[related_posts_by_tax title=""]Bên cạnh năm cảm xúc cơ bản là Vui, Buồn, Giận Dữ, Sợ Hãi và Ghê Tởm, Riley đã có thêm năm cảm xúc mới: Lo Âu, Ganh Tị, Xấu Hổ, Chán Nản và Hoài Niệm.
Khi người ta lớn, Lo Âu chiếm chỗ của Vui
Đặc biệt, Lo Âu – nhân vật cảm xúc với tạo hình màu cam, mái tóc buộc túm và tính cách năng nổ, nhiệt huyết, hung hăng không kém gì Vui – trở thành một trong những nhân vật chính trong Inside Out 2.
Hai nhân vật Lo Âu và Vui dù đại diện cho hai trường phái cảm xúc, một tiêu cực và một tích cực, nhưng thực ra lại rất giống nhau như thể soi gương vậy.
Inside Out 2 – Official Trailer
Cả hai đều cố gắng tạo ra một phiên bản cô bé Riley theo ý muốn chủ quan của mình, theo cách mình nghĩ là tốt nhất cho Riley mà không để cô bé tự lựa chọn.
Trong khi Vui cố gắng chôn vùi những kỷ niệm và cảm xúc xấu xí của Riley để cô bé tin “Mình là người tốt”, Lo Âu lại nỗ lực gieo rắc những nỗi lo và dùng các kỷ niệm, hành vi có phần tiêu cực để tạo nên một Riley luôn ám ảnh “Mình không đủ tốt”.
Và Lo Âu ôm ấp một niềm tin rằng nỗi ám ảnh đó là động lực để Riley cố gắng tốt hơn mỗi ngày.
Lo Âu là đối trọng của Vui trong cuộc chiến đâu là cảm xúc quan trọng nhất của Riley hay của một con người nói chung.
Khán giả, cũng như Vui, chợt nhận ra rằng khi con người ta dần trưởng thành, “dường như họ ít vui hơn thì phải”. Không gian rộng lớn cho những niềm vui vô tư và trẻ con ngày trước nay phải nhường chỗ cho những cảm xúc có phần tiêu cực, trong đó Lo Âu chiếm phần lớn.
Bộ phim là một màn diễn đạt rất phức tạp cho xúc cảm mơ hồ mà ai cũng cảm thấy khi nhìn lại những ngày tháng ấu thơ của mình: những ngày đó mới vô lo, vô nghĩ làm sao.
Không phải khi còn nhỏ chúng ta không có những nỗi sợ, giận dữ hay buồn bã, nhưng khi tuổi dậy thì và Lo Âu ập đến, đó là một tầng bậc khác. Lo Âu có thể là động lực để con người tranh đấu cho những gì mình đam mê, như cô bé Riley trong phim.
Nhưng Lo Âu đôi khi chiếm quá nhiều không gian và nuốt chửng những người trưởng thành, khiến họ trở nên ganh tị, xấu hổ và chán nản…
Riêng Hoài Niệm không xuất hiện nhiều mà chỉ đóng vai trò “khách mời” tấu hài cho bộ phim, bởi phim cho rằng người mới dậy thì chưa có quá nhiều nhu cầu hoài niệm.
Và cũng như phần 1, Inside Out 2 được làm ra để nhắc chúng ta rằng mọi cảm xúc đều quý giá.
Sau khi phần 1 ra mắt, các chuyên gia đã viết trên Tạp chí Tâm Thần Học Anh rằng việc nhận biết mọi cảm xúc của bản thân giúp con người biết cách thể hiện bản thân và nắm bắt được chính mình.
Chúng ta chỉ sống hạnh phúc khi là chính mình và là phiên bản tốt nhất của chính mình, chứ không phải khi cố gắng để được giống người khác hay làm hài lòng người khác. Phần 2 tiếp tục nhắc nhớ khán giả về điều đó.
Kỷ niệm xấu xí không có lỗi
Không phải ngẫu nhiên mà Inside Out 2 được giới phê bình Mỹ nhận xét là đánh dấu việc xưởng phim Pixar trở lại thời hoàng kim, thời hãng liên tục cho ra nhiều kiệt tác hoạt hình.
Phim không đột phá về câu chuyện so với Inside Out phần đầu, vẫn là hành trình của cô bé Riley đối mặt với những thử thách sống bên ngoài cuộc đời, với sự hỗ trợ (hoặc phá đám) của những cảm xúc hỗn độn bên trong tâm trí cô.
Điều Inside Out 2 làm được là tiếp nối tính chất triết lý sâu xa nhưng được thể hiện bằng một cuộc phiêu lưu mãn nhãn của phần 1.
Ban đầu, khán giả thấy bất an khi Vui liên tục tìm cách chôn vùi mọi kỷ niệm xấu xí trong thời niên thiếu của Riley: từ việc cô bé phạm lỗi thô bạo khi chơi hockey đến việc bị bố mắng vì điểm số.
Thực chất những kỷ niệm đó đâu có lỗi gì. Đó là những trục trặc thông thường ai cũng phải đối mặt để trưởng thành và cách duy nhất là học hỏi từ đó.
Nếu Riley chôn vùi và quên đi, cô bé sẽ không nhận được những bài học cần thiết và tiếp tục mắc sai lầm trong tương lai.
Đó cũng là sai lầm của Vui. Bộ phim hoạt hình không chỉ là hành trình Riley theo đuổi đam mê mà còn là hành trình Vui nhận ra vấn đề của mình và cũng trưởng thành hơn.
Inside Out 2 vẫn là một phim hoạt hình với hình ảnh đẹp, lời thoại hài hước và sáng tạo. Nhưng phim không còn sự tươi mới đến choáng ngợp mà phần 1 từng mang lại, cũng như không có những phân cảnh dâng trào về mặt cảm xúc.
Với một số khán giả, nhiêu đó sẽ không đủ để gọi là “kiệt tác”.
Phim hoạt hình hè cho trẻ em Việt
Bên cạnh Inside Out 2, các phim hoạt hình hấp dẫn tại rạp hè này gồm có: Trư Bát Giới: Đại náo thế giới mới (chiếu ngày 21-6), có tài tử Hứa Quang Hán lồng tiếng vai chính; và Kẻ trộm mặt trăng 4 (Despicable Me 4), phần phim chính thứ tư trong loạt phim ăn khách. Thuộc thương hiệu này, phim Minions: Sự trỗi dậy của Gru (năm 2022) đang là phim hoạt hình ăn khách nhất Việt Nam với doanh thu 200 tỉ đồng.