Kinh nghiệm cần thiết để các gia đình đối mặt với nhiều “cơn bão” K-pop ra sao?
Khi Born Pink World Tour ghé qua Việt Nam
Nhóm nhạc nổi tiếng BlackPink lần đầu sang Việt Nam biểu diễn làm gia đình anh Đăng Khôi (32 tuổi, ngụ TP Long Khánh, Đồng Nai) rơi vào tình huống “dở khóc dở cười” vì lời hứa của anh cách đây không lâu.
[related_posts_by_tax title=""]Anh Khôi hứa với cô con gái rượu vừa hết lớp 7 rằng sẽ cho con được đi xem BlackPink. Tới lúc mua được vé, anh mới nhớ ra con gái anh đâu thể một mình ra tận sân Mỹ Đình (Hà Nội) để “đu idol”. Không chỉ mua vé cho mình con, anh phải lên mạng tìm mua thêm cho được chiếc vé cùng khu vực để vợ anh có thể ngồi cùng con bé.
Còn Ngân Hà (23 tuổi, quận Ninh Kiều, Cần Thơ) thì có kiểu thuyết phục gia đình rất bài bản để gia đình cho phép Hà dẫn hai người em họ là Quỳnh Như và Diễm Trang (cùng học lớp 11) đi Hà Nội xem đêm diễn của nhóm K-pop này.
Do đại gia đình sống ở nhiều nơi khác nhau nên Hà tổ chức buổi thuyết trình online thông qua Google Meeting. Đồng thời Hà cung cấp những hình ảnh, số liệu cần thiết để hai cô em họ soạn thành file powerpoint hoàn chỉnh.
Trong đó có đầy đủ thông tin từ cách thức săn vé, lịch trình của chuyến đi cho đến phương tiện di chuyển, các điểm dừng chân, tham quan khi đến Hà Nội.
Cuộc sống không chỉ màu hồng
Đến lúc săn được chiếc vé thứ hai cũng là lúc gia đình anh Khôi lại bắt đầu lục đục vì vợ anh liên tục càm ràm về chi phí của chuyến đi không hề nhỏ.
Chỉ riêng tiền vé (mua qua trung gian) đã hơn 15 triệu đồng, chưa tính vé máy bay đi và về cùng chi phí ăn uống, khách sạn, di chuyển… Những ngày này, con gái anh thì rất hạnh phúc, cứ như sống trên mây, không tha thiết với bất cứ điều gì ngoài việc mong đến ngày được tận mắt chiêm ngưỡng những thần tượng của mình.
Còn buổi thuyết trình của Ngân Hà dù có đầy đủ các thành viên online nhưng không đạt được kết quả như mấy chị em mong muốn, mặc dù bà ngoại lên tiếng tài trợ cho các cháu khi biết chuyện.
Cha mẹ của Diễm Trang và Quỳnh Như đều không đồng ý cho đi xem BlackPink vì cho rằng ở tuổi học sinh chưa làm ra tiền thì không nên hưởng thụ một cách tốn kém như vậy. Vẫn có cách theo dõi, ủng hộ thần tượng theo cách phù hợp với độ tuổi và khả năng tài chính của bản thân.
Còn bao nhiêu nhóm K-pop nữa sẽ đến Việt Nam?
Lướt qua các diễn đàn trên mạng những ngày này, không khó để nhận ra nhiều người vẫn đang tranh cãi về việc có đáng bỏ ra vài triệu để xem ca nhạc hay không.
Một bên chỉ trích, chê bai một bộ phận giới trẻ Việt lãng phí khi bỏ số tiền không nhỏ so với thu nhập của bản thân hoặc xin tiền cha mẹ để thỏa mãn sở thích riêng mình.
Bên còn lại thì ủng hộ sự hưởng thụ theo xu thế khi cuộc sống mỗi ngày một tiến. Bởi hâm mộ thần tượng như một chỗ dựa tinh thần mà bất kỳ lứa tuổi, thế hệ nào cũng có.
Không ít bạn trẻ cho biết mỗi lần đi concert chính là lúc họ được sống thật với những cảm xúc chân thành khi được hòa nhịp với hàng vạn người chung một đam mê, cùng nhau hướng về sân khấu.
Ở đó tồn tại sự kết nối giữa fan và thần tượng. Với họ, giá trị của tấm vé tham gia một đêm hội âm nhạc đôi khi không chỉ đơn thuần nằm trong những giá trị thị giác thuần túy.
Đó còn là những trải nghiệm tinh thần, những lần hết mình với đam mê, những lần trở về với những câu chuyện đáng giá, những lần được giải tỏa những trắc trở của bản thân.
Trong số các bậc phụ huynh hôm nay ắt hẳn không ít người thuộc thế hệ 7X, 8X. Có lẽ họ cũng từng trải qua cái tuổi say mê điên cuồng những Model Taking, ABBA, Boney M, Backstreet boy, Spice Girls… của một thời.
Thì ngày hôm nay đến lượt con em mình bị hút hồn bởi những nhóm nhạc Hàn thì cũng là lúc phụ huynh cần cảm thông hơn phê phán. Nhất là trong mắt gen Z Việt lẫn các nước Á châu, các thần tượng K-pop luôn gần gũi và dễ bắt chước hơn.
Người lớn đừng vì sự khác biệt thế hệ, tuổi tác mà ngăn cản sở thích của con em mình theo kiểu “gióng lên hồi chuông” về “sự hy sinh cao cả” hay những so sánh “ngày xưa – ngày nay”.
Cần công bằng với mặt tích cực của văn hóa thần tượng. Khi ít ra việc theo đuổi thần tượng không chỉ giúp các bạn trẻ được phấn khích về mặt cảm xúc, có cái nhìn tích cực về cuộc sống, mà còn giúp kết bạn với những người có cùng đam mê. Khi thần tượng ai đó đúng cách sẽ mang đến cho người trẻ những lợi ích tích cực.
Có sự khác biệt về sở thích âm nhạc, nhu cầu giải trí và hưởng thụ giữa cha mẹ với con cái. Điều cần thiết là vợ chồng, con cái cần ngồi lại với nhau nói lên suy nghĩ của mình để cùng tìm một giải pháp thích hợp, ổn thỏa thay vì tránh né hoặc làm theo ý riêng mình. Đó cũng là kinh nghiệm cần thiết để các gia đình đối mặt với nhiều “cơn bão” K-pop khác.
Yêu thích K-pop là nhu cầu chính đáng, nhưng…
Với những bạn trẻ nếu có công việc và tự lo được cho bản thân, cũng như tích lũy được một khoản tiền, thì việc mua vé đi xem BlackPink không có gì phải bàn cãi.
Bởi đó là sở thích, sự lựa chọn và khả năng tài chính của mỗi người. Tuy nhiên, những bạn trẻ không dư dả hoặc chưa đi làm, phải xin tiền người khác thì có lẽ nên cân nhắc.
Đừng vì người khác khoe kế hoạch đi xem concert lên mạng xã hội mà mình phải cố vay mượn được để bằng bạn bè.
Việc thần tượng ai đó không chỉ làm phong phú đời sống tinh thần, mà còn là động lực để các bạn trẻ phấn đấu, noi gương làm những điều có ích.
Tuy nhiên, phụ huynh và các bạn trẻ nên cân đối tài chính, tránh việc “đu” thần tượng theo phong trào một cách thái quá, vượt quá khả năng tài chính của bản thân và gia đình.
Ngưỡng mộ BlackPink, yêu thích K-pop là nhu cầu chính đáng, là quyền tự do của mỗi người.
Các bậc phụ huynh thay vì chê bai, cấm đoán thì hãy hướng dẫn con em mình thể hiện sao cho đúng, cho phù hợp. Đừng để vì một thần tượng nào đó mà tổn hại mối quan hệ gia đình.