Sau buổi chiếu phim ngắn Người đàn bà ở trạm xe và giao lưu với đạo diễn Lê Chi Na – người chiến thắng tại Liên hoan phim ngắn TP.HCM 2023 với giải vàng và giải Đạo diễn xuất sắc, Lê Chi Na không chỉ trò chuyện với khán giả về bộ phim cùng những thuận lợi và khó khăn trong quá trình làm phim mà còn chia sẻ với Tuổi Trẻ nhiều chuyện hậu trường không phải ai cũng biết.
Cuộc gặp định mệnh cho Người đàn bà ở trạm xe
Tác phẩm dựa theo truyện ngắn của nhà văn Nguyễn Quang Thân, kể về cuộc gặp gỡ định mệnh giữa một người đàn ông làm công nhân (Trương Quang Thịnh) và một người mẹ đơn thân (Lê Bê La).
Do đồng cảm, người đàn ông quyết định cưu mang người phụ nữ lạ cùng đứa con nhỏ của cô, dù cuộc sống của anh cũng đang gặp nhiều bấp bênh. Họ nhận ra sự đồng điệu trong tâm hồn, nhưng đằng sau là nỗi sợ về tương lai.
Liệu hạnh phúc này có kéo dài mãi mãi? Cả hai có mở lòng để đón nhận tình cảm của nhau?
Theo đạo diễn Lê Chi Na, thời điểm đó diễn viên Lê Bê La vừa sinh em bé tầm 7 – 8 tháng tuổi nên cô ngỏ ý mời cả hai mẹ con Bê La đóng phim.
Bê La rất thích ý tưởng kịch bản, nhưng hơi e dè vì sợ bé ảnh hưởng tới đoàn phim. Mùa mưa nên đoàn gặp nhiều hạn chế về mặt bối cảnh. Vì làm việc liên tục nên khi bé bị sốt chị Bê La rất hoang mang và sốt ruột, con khóc là chị cũng khóc theo.
“Có lẽ là vì thương tôi cũng như là trách nhiệm nghề nghiệp. Tôi vừa thương cháu vừa thương chị, nhưng không còn cách nào khác ngoài việc động viên cả hai cùng cố gắng. Đến khi phim nhận giải vàng, chị Bê La là người vui nhất.
Qua đó tôi mới thấy may mắn vì có những người chị em thân thiết trong nghề giúp đỡ, mặc dù gặp nhiều khó khăn. Nếu không có chị Bê La thì sẽ không có bộ phim này” – Chi Na kể.
Nam chính Trương Quang Thịnh, hay còn biết đến với biệt danh Thịnh “chuột”, là một người anh trong nghề của Chi Na. Chi Na chia sẻ về Thịnh: “Chúng tôi đã thử rất nhiều diễn viên cho vai nam chính, nhưng cuối cùng tôi chỉ thấy anh Thịnh mới thể hiện được đúng tinh thần và cá tính của nhân vật”.
Người đàn bà ở trạm xe duy trì một tông màu nhất quán từ đầu đến cuối. Ánh sáng vàng mờ ảo của ngọn đèn đường hắt vào căn phòng tăm tối của người đàn ông tạo nên bầu không khí ảm đạm. Thứ ánh sáng ấy gây cảm giác uể oải, buồn chán như tâm trạng của anh Thịnh.
Thế nhưng kể từ khi có sự xuất hiện của Bê La trong nhà anh Thịnh, dần dần phim lại có màu sắc tươi vui hơn.
Phim có nhịp điệu vừa phải. Dù ít tương tác, hai nhân vật chính vẫn thể hiện mối quan hệ đầy giằng xé trong tình yêu. Họ yêu, xót thương, đồng cảm nhưng dường như vẫn bị ngăn cản bởi nỗi đau chưa nguôi ngoai trong quá khứ.
Lần đầu thử sức đạo diễn
Xuất thân là một diễn viên, đây là phim đầu tay của đạo diễn Lê Chi Na. Cô tâm sự: “Khi làm diễn viên, đến một giai đoạn tôi cảm thấy mình bị bão hòa.
Tự nhiên, niềm đam mê và sự hứng khởi dần phai nhạt. Trong thời gian nghỉ ngơi và suy ngẫm, tôi nhận ra nghệ thuật quá bao la và mình cần phải mở rộng thêm kiến thức.
Vì vậy, tôi quyết định bước sang một ngã rẽ mới là đi học đạo diễn để tiếp tục sống trọn với đam mê nghệ thuật trong một hình thái mới, sâu sắc và toàn diện hơn”.
Chi Na đặc biệt nhấn mạnh khi làm phim, đoàn phim gặp rất nhiều khó khăn và thử thách, nhất là khi quay với trẻ nhỏ.
“Làm phim con nít khó gấp vạn lần so với người lớn. Vì cường độ quay cao, bé bị sốt, đoàn phim phải kiên nhẫn và linh hoạt thay đổi kịch bản dựa trên tình hình sức khỏe của bé và sự cho phép của phụ huynh” – cô nói.
Tuy Người đàn bà ở trạm xe gây ấn tượng với những khung hình cận cảnh thể hiện rõ biểu cảm nhân vật, nhưng một vài phân cảnh ngoài ban công lại có bố cục hẹp, đôi chỗ góc quay còn bị rung lắc.
Quá khứ của người mẹ đơn thân chỉ thể hiện qua lời kể của cô, trong khi cô có nhiều yếu tố đáng để đạo diễn khai thác.
Lý giải điều này, Chi Na bảo: “Vì hành lang ban công quá hẹp nên tôi chỉ có thể sử dụng đúng một máy quay.
Nhưng đối với tôi thì nó cũng đáp ứng được khoảng 70% mong muốn. Một vài khung hình xéo là điều tôi tâm đắc nhất trong phim, vì nó tạo cho người xem một chiều sâu nhất định, thể hiện số phận chênh vênh của cả hai nhân vật”.
Một điểm hạn chế nữa là phim chưa có nhiều khoảng lặng, khiến người xem bị cuốn theo liên tục mà không có thời gian ngẫm nghĩ về những tình tiết quan trọng, thông điệp ẩn giấu hoặc để cảm nhận sâu hơn về nhân vật.
Phim ban đầu gợi lên sự tò mò, nhưng khi đến phần giải quyết cao trào, các tình huống và chi tiết trở nên quá dễ đoán, làm giảm đi phần nào sức hấp dẫn.
Theo Chi Na, mặc dù đã lên kế hoạch tỉ mỉ, nhưng khi đến hiện trường thì dự định ban đầu bị thay đổi gần 80%.
Do đó, đoàn phim phải nhanh chóng điều chỉnh kịch bản tại chỗ, ứng biến với các yếu tố ngoại cảnh như thời tiết hoặc tình huống bất ngờ.
Đơn cử là các phân cảnh ở trạm xe buýt. Do tình trạng kẹt xe và dân cư đông đúc, đoàn phim phải tính toán kỹ lưỡng để đảm bảo tiến độ và chất lượng quay.
Trong suốt ba ngày, mọi người đã làm việc không ngừng nghỉ, thậm chí quay đến sáng. “Đến khi phim được chiếu lên thì mọi người trong đoàn phim cảm thấy rất là “đã”, thật sự vỡ òa cảm xúc” – Chi Na kể.