Fever nằm trong album đầu tay Medicine của Coldzy (kết hợp với tlinh) nói về một tình yêu nồng nàn, cháy bỏng. Phần nhạc được khán giả đánh giá khá tốt bởi sự kết hợp giữa hai nghệ sĩ, song nhiều ca từ trong ca khúc ẩn ý chuyện giường chiếu, gợi dục.
Sau khi ra mắt, Fever bị cho là không phù hợp với lứa tuổi dưới 18, nếu đăng công khai trên các nền tảng thì cần dán nhãn cảnh báo người nghe.
[related_posts_by_tax title=""]Gỡ khỏi YouTube mang tính đối phó?
Lâu nay, “nhạc bẩn” hoặc “nhạc rác” là những cụm từ do khán giả hoặc truyền thông (tạm) sử dụng để chỉ những ca khúc nhảm nhí, dung tục hoặc nhạy cảm, câu view là chính…
Tuy nhiên, hiếm nghệ sĩ tự miệng thốt lên “bẩn” hay “sạch” như tlinh. Cụ thể trong clip ghi lại buổi biểu diễn mới đây, tlinh nói: “Mọi người thích (bản) clean (sạch) hay dirty (rác/bẩn)?
Có vẻ nhiều người không thích dirty nên bọn mình sẽ ra một bản clean để mọi người thưởng thức cả hai bản. Ai có bản dirty thì nghe nốt đi nhá”. Coldzy còn phụ họa theo: “Nghe hết đi”…
Đáng nói, cả hai nghệ sĩ phát ngôn trong một trạng thái vui vẻ và thoải mái. Điều này khiến một số người đặt dấu hỏi: Liệu phản ứng của dư luận liên quan đến ca khúc Fever thời gian qua có khiến họ thật sự lưu tâm hay trăn trở không?
Động thái gỡ/ẩn ca khúc khỏi kênh YouTube trong vài ngày qua liệu có phải là điều nghệ sĩ muốn làm hay chỉ là hành động mang tính đối phó?
Có nhạc sạch với nhạc không sạch?
Chưa kể ca khúc được phát hành chính thức vào đầu tháng 6 và ngay sau đó đã nhận về không ít ý kiến trái chiều. Nhưng tới nay, tức sau 1,5 tháng, ca khúc mới được ẩn/gỡ trên kênh chính thức của nghệ sĩ. Nếu thật sự cầu thị và nghiêm túc lắng nghe dư luận, liệu cần tới 1,5 tháng?
Sao ngay từ đầu nghệ sĩ không làm ra thứ âm nhạc sạch đi, khi bị phản ứng thì mới bảo sẽ làm nhạc sạch, “có hay không chiêu trò để câu view?” là câu hỏi của một khán giả.
Nhưng vốn dĩ âm nhạc chỉ có nhạc hay hoặc nhạc dở, làm gì có nhạc sạch với nhạc không sạch. Khi đặt bút sáng tác, thiết nghĩ nghệ sĩ nên cân nhắc từng câu từng chữ để đưa tới khán giả một sản phẩm chỉn chu nhất có thể.
Bởi lẽ khi đăng tải sản phẩm công khai lên các nền tảng, đó không còn là sản phẩm mang tính “tự sướng” của cá nhân nghệ sĩ đó nữa.
Xung quanh nó có dư luận và những quy định của pháp luật soi xét. Điều đó tạo ra tính xã hội của tác phẩm. Còn không, nghệ sĩ hoàn toàn có thể giữ lại riêng cho chính mình nghe và sẽ chẳng có ai nói gì cả!
Trước khi bị gỡ/ẩn khỏi kênh YouTube của Coldzy, Fever thu về gần 1 triệu lượt xem. Trên TikTok, ca khúc cũng không còn hiển thị trên trang của nghệ sĩ, song do nhiều người ghép nhạc vào video lẫn hình ảnh của họ nên bài hát vẫn còn tồn tại.