Đó là thời ông hoạt động âm nhạc trong vai trò một chỉ huy, một nhà soạn nhạc của dàn nhạc Đài Tiếng nói Việt Nam và Đài truyền hình TP.HCM trong những năm 1970.
Chị Nguyễn Bạch Dương, đại diện gia đình nhạc sĩ, cho Tuổi Trẻ biết hòa nhạc diễn ra vào ngày 15-9 tại Nhà hát Hồ Gươm (Hà Nội) sẽ mở đầu cho chuỗi dự án gồm cả nhạc, phim tài liệu, đĩa than và sách về nhạc sĩ Thanh Tùng.
[related_posts_by_tax title=""]Theo giám đốc âm nhạc, nhạc sĩ Trần Mạnh Hùng, nhạc sĩ Thanh Tùng được đào tạo bài bản về khí nhạc.
Ông viết nhạc phim, nhạc không lời, chuyển soạn nhiều tác phẩm nhạc nhẹ, thậm chí nhạc đỏ theo hình thức classical crossover (kết hợp giữa dàn nhạc giao hưởng với ban nhạc điện tử) trong những năm 1970.
Trước đây cũng đã có một số ca khúc của ông được dàn dựng, được chuyển soạn và trình diễn theo hình thức này trong một số chương trình nghệ thuật; song đây là lần đầu có một chương trình riêng dành cho nhạc sĩ.
Khi nghe lại những bản thu âm do nhạc sĩ Thanh Tùng thực hiện giai đoạn đó, nhạc sĩ Trần Mạnh Hùng nhận thấy ông “đi xa hơn những nhạc sĩ cùng thời”, và “những gì đã nghe trước đây, những gì mà người ta nói về ông không giống với những bản thu đó”.
Với Legacy of love – Di sản tình yêu, công chúng có cơ hội tiếp cận một cách đầy đủ hơn về di sản người nhạc sĩ tài hoa này. Trong hòa nhạc lần này, sẽ có nhiều bài được chơi theo phong cách không lời, khán giả sẽ “hát” nhạc Thanh Tùng trong lòng.
Song hành cùng nhạc sĩ Trần Mạnh Hùng là nhạc trưởng người Pháp Olivier Ochanine, Dàn nhạc giao hưởng Mặt Trời và Sơn Thạch band. Biên chế dàn nhạc, ban nhạc lên tới gần 70 người.
Chương trình có tiếng kèn của nghệ sĩ Quyền Thiện Đắc, nghệ sĩ piano người Đài Loan Liao Hsin – Chiao, nghệ sĩ cello Phan Đỗ Phúc… và ba giọng ca trữ tình Lân Nhã, Uyên Linh, Nguyễn Ngọc Anh.