Tối 25-6, chương trình giao lưu, biểu diễn nghệ thuật giới thiệu chân dung âm nhạc nhạc sĩ Trần Long Ẩn với chủ đề Trần Long Ẩn – Tiếng hát từ mặt trời và ánh lửa, diễn ra tại Nhà hát Thành phố (TP.HCM).
Đêm nhạc do Sở Văn hóa và Thể thao TP.HCM, Hội Âm nhạc TP.HCM, Đài Truyền hình TP.HCM phối hợp tổ chức.
[related_posts_by_tax title=""]Trung tâm Ca nhạc nhẹ Thành phố và Ban Ca nhạc (Đài Truyền hình TP.HCM) phối hợp thực hiện.
Tham dự đêm nhạc có ông Phạm Chánh Trực – nguyên phó bí thư Thành ủy, chủ tịch HĐND TP.HCM; ông Phan Nguyễn Như Khuê – trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy; ông Huỳnh Thanh Nhân – phó chủ tịch HĐND TP.HCM; ông Đỗ Hồng Quân – chủ tịch Liên hiệp các Hội văn học nghệ thuật Việt Nam; ông Nguyễn Đức Trịnh – chủ tịch Hội nhạc sĩ Việt Nam… cùng nhạc sĩ Trần Long Ẩn và gia đình.
Tôn vinh dấu son Trần Long Ẩn
Đêm nhạc Trần Long Ẩn – Tiếng hát từ mặt trời và ánh lửa gồm bốn phần: Hát cho quê hương, Hát cho tuổi thanh xuân, Hát cho mọi người, Hát cho cuộc đời với những ca khúc gắn liền với tên tuổi của nhạc sĩ Trần Long Ẩn.
Đó là các ca khúc: Tiếng hát từ mặt trời và ánh lửa, Một đời người một rừng cây, Tình đất đỏ miền Đông, Trên mảnh đất tình người, Xin làm người hát rong, Đêm thành phố đầy sao…
Bà Thanh Thúy – phó giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao TP.HCM – cho biết chương trình nghệ thuật Trần Long Ẩn – Tiếng hát từ mặt trời và ánh lửa nhằm nhắc nhớ, tôn vinh những dấu son trong sự nghiệp sáng tác của nhạc sĩ.
“Những năm 1975, ông là một trong những thành viên nòng cốt, cánh chim đầu đàn trong phong trào “Hát cho dân tôi nghe” bên cạnh các nhạc sĩ Tôn Thất Lập, Trần Xuân Tiến, Trương Quốc Khánh…
Những ca khúc của ông nói lên tiếng nói yêu nước của tuổi trẻ, phản đối chiến tranh phi nghĩa: Hát trên đường tranh đấu, Người mẹ Bàn Cờ…
Ông có hơn 50 năm sáng tác, được tiền bối nhận xét có ngôn ngữ riêng, gần gũi chất liệu âm nhạc miền Nam, khai thác, tìm tòi nhiều sáng tạo.
Mỗi ca khúc để lại một câu chuyện riêng biệt, giàu tính tư tưởng, mang nhiều suy tư về con người, cuộc đời… Điều này thể hiện rõ qua ca khúc Đàn sáo Hậu Giang, Tình người đất đỏ miền đông, Một đời người một rừng cây…” – bà Thanh Thúy phát biểu.
Âm nhạc Trần Long Ẩn chắt lọc từ tinh hoa cuộc sống
Đêm nhạc với sự góp mặt của nhiều ca sĩ như: Tạ Minh Tâm, Cẩm Vân, Vân Khánh, Phạm Thế Vĩ, Quang Linh, Hồ Trung Dũng, Hiền Thục, Quốc Đại…
Những ca khúc của nhạc sĩ Trần Long Ẩn một lần nữa được vang lên, mang đến nhiều cung bậc cảm xúc cho khán giả.
Ngồi ở hàng ghế khán giả, nhạc sĩ Trần Long Ẩn không giấu được cảm xúc của mình, ông liên tục vỗ tay theo nhịp, cổ vũ các ca sĩ.
Nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân chia sẻ rằng ông tiếp xúc với nhạc sĩ Trần Long Ẩn gần 40 năm. Nhạc sĩ Trần Long Ẩn luôn biết chắt lọc tinh hoa từ cuộc sống, nhân dân để trở thành những nốt nhạc có đặc trưng rất riêng.
Đi đến đâu ông cũng để lại dấu ấn. Điều đó cho thấy sự tinh ý của ông trong sáng tác. Qua âm nhạc của ông, có thể thấy tinh thần yêu nước rất rõ. Ông là một người gương mẫu, có trách nhiệm trong công việc.
Còn nhạc sĩ Nguyễn Văn Sanh quen nhạc sĩ Trần Long Ẩn từ năm 1969. Ông nói: “Tôi và anh Ẩn như bóng với hình, là tri kỷ. Kỷ niệm nào của tôi với anh cũng sâu sắc”.
Nhạc sĩ Nguyễn Văn Sanh kể sau khi tổ chức đêm Hát cho đồng bào nghe vào tháng 12-1969, cả hai có nhiều đêm thức trắng xuống đường. Khi vào chiến khu, cả hai được đi học một khóa nhạc do nhạc sĩ Lưu Hữu Phước dạy.
Trong đêm nhạc này, có sự góp giọng của PGS. TS. bác sĩ Lê Hành – người được mặc định là nhạc sĩ Trần Long Ẩn viết ca khúc Tình đất đỏ miền Đông cho anh.
Bởi với ca khúc này, bác sĩ Lê Hành đã giành giải nhất Tiếng hát những người lao động trẻ TP.HCM năm 1976 do HTV tổ chức.
Nhạc sĩ Trần Long Ẩn sinh ngày 29-9-1944, tại Bình Định. Ông nguyên là phó chủ tịch Hội Nhạc sĩ Việt Nam, chủ tịch Hội Âm nhạc TP.HCM, chủ tịch Liên hiệp các Hội văn học – nghệ thuật TP.HCM.
Ông là một trong những cánh chim đầu đàn của phong trào “Hát cho đồng bào tôi nghe” những năm 1970.
Vào năm 1972, nhạc sĩ được điều vào vùng giải phóng, ông được học về âm nhạc, lý luận văn nghệ cách mạng.
Đến năm 1974, ông ra miền Bắc, được đào tạo chính quy tại Nhạc viện Hà Nội.
Sau khi đất nước thống nhất, ông công tác trong ngành văn hóa tại TP.HCM.
Hơn 50 năm sáng tác, nhạc sĩ có hơn 100 ca khúc với nhiều chủ đề, nhiều phong cách âm nhạc.
Với những đóng góp cho âm nhạc, nhạc sĩ Trần Long Ẩn được Hội Nhạc sĩ Việt Nam tặng Huy chương vì sự nghiệp Âm nhạc Việt Nam, Huân chương Lao động hạng Nhì (năm 2002), giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật (năm 2007)…