Với sự thể hiện trong Cô gái đến từ quá khứ, Nguyễn Phan Linh Đan – giám đốc hình ảnh (D.O.P) nữ hiếm hoi của điện ảnh Việt Nam thời điểm hiện tại – xuất hiện trên sân khấu trao giải Liên hoan phim Việt Nam ở Đà Lạt – bên cạnh nhà quay phim Nguyễn K’Linh (phim Tro tàn rực rỡ) khiến không ít người cảm thấy bất ngờ.
Đây là lần đầu tiên, có hai nghệ sĩ đứng chung hạng mục này ở thể loại phim truyện. Nói về lý do trao giải cho Nguyễn Phan Linh Đan, NSND Đào Bá Sơn – trưởng ban giám khảo thể loại phim truyện – cho biết, cô là một “nhà làm phim mới nhưng quay rất tốt”.
[related_posts_by_tax title=""]Theo ông, nhà quay phim nữ rất ít bởi đó là nghề cực khổ, vất vả và có một nhà quay phim như vậy rất đáng quý”.
Ngành này hiếm nữ thật
* Cảm xúc của Nguyễn Phan Linh Đan khi đứng trên bục nhận giải thưởng Quay phim xuất sắc cho thể loại phim truyện?
– Thực ra, công việc của tôi thiên về hậu trường nên tôi rất ngại đám đông cũng như ống kính truyền thông.
Tuy nhiên, tôi vẫn quyết định có mặt trên sân khấu vì nghĩ, biết đâu, giải thưởng của mình truyền cảm hứng cho bạn nữ nào đó theo đuổi công việc này.
Hơn nữa, chú K’Linh là một trong những người làm hình ảnh mà Đan luôn ngưỡng mộ. Thật hạnh phúc và vinh dự khi nhận được giải thưởng này cùng với chú.
* Nguyễn Phan Linh Đan là một nhà làm phim trẻ. Sự hiện diện của bạn trên sân khấu trao giải có một sự tiếp sức cho những nhà làm phim trẻ ra sao?
– Để có cơ hội làm phim điện ảnh cũng không phải là một điều dễ dàng gì. Ở Việt Nam có nhiều nhà làm phim trẻ, tài năng nhưng chưa có nhiều cơ hội để tỏa sáng.
Sự hiện diện của một người trẻ như Linh Đan ở đây như một sự khuyến khích, động viên các bạn vững tin vào con đường mà mình lựa chọn.
Đồng thời, tôi cũng mong, các bạn trẻ sẽ có thêm nhiều cơ hội để thể hiện mình, để công chúng biết, chúng ta đang có một lứa nghệ sĩ mới, yêu nghề và sẵn sàng lăn xả với nghệ thuật.
* Nói như trưởng ban giám khảo Đào Bá Sơn, đây là một nghề vất vả cho nữ. Thay vì một lựa chọn êm đềm hơn, sao bạn lại đi một con đường khó với mình như thế?
– Thú thực, lúc tôi chọn học ngành này, tôi không nghĩ đó là một ngành toàn đàn ông như thế. Lúc vào lớp học, tôi là người nữ duy nhất trong lớp (Nguyễn Phan Linh Đan tốt nghiệp trường New York Univeristy – top 1 trường điện ảnh của Mỹ – PV).
Lúc đó, tôi nghĩ chắc chỉ trùng hợp thôi; nhưng sau này đi làm rồi mới thấy, không chỉ ở Việt Nam, trên thế giới, ngành này hiếm nữ thật.
* Bạn cao bao nhiêu, nặng bao nhiêu và từng vác những chiếc máy quay nặng bao nhiêu kg?
– Linh Đan nặng 43kg cao 1m62. Nếu phải vác máy quay, máy thường nặng khoảng 20kg. Thực ra, công việc đạo diễn hình ảnh không quá cực cho người phụ nữ nhưng để đi tới vai trò này, tôi đã trải qua và đi lên từ nhiều công việc khác nhau như phụ máy, làm ánh sáng,…
Đó là một chặng đường khó khăn cho một người phụ nữ mà nếu không đam mê dữ lắm, bạn sẽ từ bỏ. Có những lúc về nhà, chân tay thâm tím hết cả.
* Gọi bạn “cứng đầu”, “lỳ lợm” hay “điếc không sợ súng” nhỉ? Bạn đã bao giờ cảm thấy cô đơn, muốn rời bỏ?
– Có những chuyện xảy ra mà nếu nếu là nam giới, những nhà làm phim nữ như tôi đã không gặp phải. Đôi khi, tôi cũng cảm thấy buồn vì điều đó.
Tôi rất mong, có thêm các bạn nữ làm nghề quay phim để mình đỡ cô đơn hơn. Còn việc từ bỏ, có lẽ, tôi là một người có đam mê và khá mơ mộng nên không biết hai chữ “từ bỏ”. Nói tôi “cứng đầu” chắc đúng.
Góc máy nữ làm điện ảnh Việt Nam hoàn thiện
* Góc máy của một người nữ sẽ mang lại màu sắc như thế nào với điện ảnh Việt Nam?
– Vì số lượng nhà làm phim nữ ở nước ta không nhiều nên có các câu chuyện thường được kể qua góc nhìn của nam giới là chính.
Phụ nữ, bằng cách cảm, cách nghĩ của họ, sẽ mang lại màu sắc đặc biệt mà qua góc nhìn của đàn ông, chưa chắc có được. Tôi không nói góc nhìn của phụ nữ tốt hay xấu hơn nhưng tôi cho rằng, điện ảnh Việt Nam cần có những góc nhìn của phụ nữ thì mới hoàn thiện và đầy đủ.
* Nghề này có gì mà thu hút bạn vậy?
– Tôi là một người đam mê việc kể chuyện bằng hình ảnh. Tôi cảm thấy hình ảnh có tiếng nói lớn hơn cả câu chữ.
Trong hình ảnh, tôi luôn cố gắng truyền đạt tất cả những cảm xúc mà lời nói không diễn tả được. Đó có lẽ là điểm đặc biệt nhất của nghề này.
* Trong quan sát của Nguyễn Phan Linh Đan, hình ảnh trong phim Việt Nam hiện như thế nào?
– Hơi đẹp quá, lung linh quá so với hiện thực. Nói một cách khác đi, đó là một vẻ đẹp “khá quảng cáo”, chưa thật lắm”.
Nhiều khi, lên hình rất đẹp nhưng chưa truyền tải được hiện thực. Điều đó khiến không ít bộ phim điện ảnh của nước ta rơi vào tình trạng chưa được thật, chưa được điện ảnh.
* Cảm ơn Nguyễn Phan Đan Linh.
Nguyễn Phan Linh Đan sinh năm 1996 trong một gia đình làm nghệ thuật. Sau khi tốt nghiệp trường New York Univeristy, cô về Việt Nam làm phim.
Dự án phim điện ảnh đầu tay của cô là Tấm ván phóng dao (If Wood Could Cry, It Would Cry Blood) từng giành giải của Chợ dự án châu Á tại Liên hoan phim Busan 2021.
Trước đó, phim ngắn Lost do Nguyễn Phan Linh Đan làm đạo diễn hình ảnh được chọn tham dự Liên hoan phim Cannes 2016 ở thể loại Góc phim ngắn (Short Film Corner).
Một năm sau, phim ngắn Vô diện do Linh Đan đồng biên kịch và làm DOP (Director Of Photography – đạo diễn hình ảnh) được trao giải Cánh diều vàng của Hội điện ảnh Việt Nam.
Ở vai trò đạo diễn hình ảnh, Linh Đan nhận được quỹ từ Panavision, một trong những hãng máy quay phim chuyên nghiệp dẫn đầu thế giới. Cô là một trong những nữ D.O.P duy nhất làm việc tại Việt Nam.