Theo QQ, Đài truyền hình Trung ương Trung Quốc CCTV thậm chí đã có bài viết phê bình những tác phẩm ngôn tình thần tượng có nội dung yêu đương phi lý, hành động thiếu tính logic, không được đánh giá cao về yếu tố nhân văn.
Trong đó, các bộ phim nổi tiếng như Khói lửa nhân gian của tôi, Dư sinh quãng đời còn lại xin chỉ giáo nhiều hơn, Vụng trộm không thể giấu… đều bị nhắc đến.
[related_posts_by_tax title=""]Nội dung yêu đương hời hợt, sến sẩm trong phim Trung Quốc
Theo CCTV, hiện tại, nhiều bộ phim ngôn tình được gắn mác phim về nghề nghiệp, nhưng nội dung ít mô tả về công việc chuyên môn thực sự. Thời lượng chủ yếu vẫn là về chuyện tình nhiều cung bậc cảm xúc giữa hai nhân vật chính.
Tuy nhiên, nhiều tác phẩm vì muốn tạo ra mâu thuẫn, đẩy nhịp phim lên cao trào mà khiến các nhân vật hành xử quên đi đạo đức cơ bản, yêu đương đến mất lý trí.
Các nhân vật này khiến khán giả phẫn nộ, thậm chí chỉ trích diễn viên vì đã nhận vai diễn trong phim “rác”, không mang lại thông điệp tích cực.
Điển hình là bộ phim Dĩ ái vi doanh, với sự tham gia của cặp đôi lưu lượng Bạch Lộc và Vương Hạc Đệ, với dàn nhân vật phụ trợ có giao diện hút mắt, song trên trang web đánh giá phim ảnh uy tín của Trung Quốc – Douban, phim nhận hàng loạt đánh giá 1 sao.
Tác phẩm bị chỉ trích vì tình tiết lỗi thời, sáo rỗng, dễ đoán.
Nhiều chi tiết trong phim đưa người xem hướng đến góc nhìn tiêu cực thay vì động cơ của nhân vật chính. Phim cũng mang đến những lát cắt xã hội có phần cường điệu, xa rời thực tế.
Hay Trạm kế tiếp là hạnh phúc do Tống Thiến và Tống Uy Long đóng chính bị chê bai “đầu voi đuôi chuột” và bị phong tặng danh hiệu “đệ nhất phim rác” mùa dịch.
Phim gây ấn tượng vì nhan sắc 2 diễn viên ban đầu, nhưng càng về sau càng rườm rà, phi lý.
Việc để một phụ nữ hiện đại 32 tuổi vẫn ngây ngây ngô ngô, tính tình ẩm ương, thiếu quyết đoán và “bắt cá hai tay” khiến vai diễn của Tống Thiến bị “ném đá” thê thảm.
Diễn viên lưu lượng nhưng diễn xuất đơ cứng
Trong Dĩ ái vi doanh, từ nhan sắc đến diễn xuất của Bạch Lộc và Vương Hạc Đệ đều nhận đánh giá chưa tốt từ khán giả. Khi lên phim, khâu tạo hình và cách xử lý hình ảnh khiến hai diễn viên như bị “dìm hàng” nhan sắc.
Ngoài ra, diễn xuất non nớt của nam chính Vương Hạc Đệ cũng là điểm trừ khiến phim gia nhập hàng ngũ 4 tác phẩm có điểm đánh giá Douban thấp nhất năm 2023 cùng với Hậu lãng của Triệu Lộ Tư, Khói lửa nhân gian của tôi của Dương Dương và Vương Sở Nhiên và Kiệu hoa hỉ sự của Điền Hi Vi.
Tương tự, trong bộ phim Hậu lãng, diễn xuất của mỹ nhân 9x Triệu Lộ Tư gây tranh cãi khi không có gì khác biệt so với các vai diễn trước đây. Nữ diễn viên khiến người xem ngán ngẩm với lối diễn xuất khoa trương, biểu cảm lố và ánh mắt trợn ngược.
Vì vậy, phim sở hữu rating thấp đến mức 0%. Triệu Lộ Tư cũng bị cư dân mạng phong tặng danh hiệu “nữ hoàng phim dở” vì diễn xuất luôn kéo chất lượng tác phẩm đi xuống thảm hại.
Theo China Daily, diễn xuất của các nghệ sĩ Trung Quốc đang là vấn đề gây tranh cãi trong giới giải trí. Khán giả tại Trung Quốc phân chia diễn viên thành hai dạng, một là phái thực lực, được đào tạo bài bản, giàu kinh nghiệm và hai là phái thần tượng, chỉ những nghệ sĩ tham gia đóng phim nhờ sở hữu lượng fan đông đảo.
Các ngôi sao thần tượng chủ yếu nổi lên từ những chương trình tuyển chọn, không được đào tạo bài bản. Vì thế, khi lấn sân diễn xuất, những điểm yếu có thể dễ dàng nhận ra như biểu cảm lố, đài từ kém, gương mặt đơ cứng.
Ngoài ra, các diễn viên trẻ tỏ ra lười biếng trong diễn xuất, lạm dụng người đóng thế và không thuộc lời thoại. Việc các nhà làm phim tỏ ra dễ dãi, mời họ chỉ với sức hút công chúng khiến chất lượng phim đi xuống rõ rệt.