Ở loạt phim mới nhất, Secret world of sound (Thế giới bí mật của âm thanh), ông kể cho chúng ta những câu chuyện quen thuộc nhưng theo một cách độc đáo hơn khi âm thanh quan trọng hơn hình ảnh.
Xuất hiện ở đầu mỗi tập phim để dẫn dắt khán giả bước vào thế giới sinh tồn của các giống loài, Sir David Attenborough chiêu đãi khán giả bữa tiệc thị giác.
[related_posts_by_tax title=""]Loạt phim tuyệt đẹp này của Hãng Sky Nature chiếu trên Netflix, khám phá ra cách động vật trao tín hiệu bằng âm thanh.
Secret World of Sound with David Attenborough Trailer
Từ tiếng gầm, rống của loài sư tử, tiếng phát ra từ khe mũi của loài linh dương, tiếng giậm chân của loài voi, tiếng vo ve của loài ong và những vũ điệu âm thanh của loài chim… đều được ghi lại.
Và đằng sau mỗi loại âm thanh đều có một câu chuyện lý thú về hành trình sinh tồn trong thế giới tự nhiên hoang dã đầy khắc nghiệt.
Ba tập phim “Mồi săn và săn mồi”, “Tình yêu và đối thủ” và “Tìm kiếm giọng nói” kể những câu chuyện về động vật từ những sa mạc ở châu Phi, Arizona đến vùng đầm lầy ở Nam Mỹ, từ vùng đồng quê ở nước Anh đến những khu rừng ở châu Úc…
“Vũ điệu dối lừa” của âm thanh
Đối với một số loài động vật, âm thanh là chìa khóa để sinh tồn. Chúng sử dụng âm thanh để săn mồi, tự vệ và trốn thoát.
Với đôi tai siêu nhạy, loài cú xám lớn có thể phát hiện chuột đồng bên dưới một lớp tuyết dày để có thể dùng chiếc mỏ nhọn xuyên qua lớp tuyết để săn mồi.
Trong khi đó, loài chuột túi kangaroo nghe thấy tiếng rắn đuôi chuông trong bóng tối và tự vệ khi đánh trống bằng chân.
Âm thanh có thể tạo nên sự khác biệt giữa sự sống và cái chết.
Sa mạc Arizona với nhiệt độ ban ngày lên tới 40oC, hoạt động của động vật chủ yếu về đêm.
Bằng việc quay phim với đèn hồng ngoại chuyên dụng, các nhà quay phim có thể nhìn thấy mọi thứ nhưng với con chuột nhảy thì nó chỉ nhìn thấy bóng tối.
Trong bóng tối, đồng minh quý giá nhất của nó là âm thanh. Đôi tai của loài chuột nhảy này thính hơn tai của loài người 90 lần, những khoảng trống trong sọ nó đóng vai trò như một buồng vang, khuếch đại những âm thanh dù là nhỏ nhất.
Nó đánh dấu tín hiệu nguy hiểm cho đồng loại bằng cách gõ chân liên tục xuống đất. Và khi phát hiện con rắn, nó dùng chân hất cát để tung hỏa mù rồi lẩn trốn vào hang.
Ở vườn quốc gia Amboseli ở Kenya, David Attenborough kể câu chuyện về một đàn voi phải tìm nguồn nước vì trong suốt một năm hạn hán nghiêm trọng. Giữa sa mạc bao la, đàn voi cảm nhận âm thanh không phải bằng tai mà bằng bàn chân.
Âm thanh của trận bão truyền đi những rung động tần số thấp qua mặt đất. Đàn voi nghe được những âm thanh đó qua mạng lưới dây thần kinh trong những miếng đệm mỡ dưới chân.
Bằng cách nhấc một chân lên, chúng sẽ kết nối được tốt hơn với mặt đất qua chân kia. Dù hành trình nguy hiểm, chúng cũng tới được với trận mưa bão sau hai ngày. Khả năng phát hiện âm thanh từ cách xa 160km đã cứu sống đàn voi trên sa mạc.
Tìm kiếm bạn tình
Ở tập phim tiếp theo “Tình yêu và đối thủ”, âm thanh của các loài động vật được David Attenborough kể lại một cách lãng mạn hơn, bởi đó là chìa khóa để chúng tìm kiếm bạn tình trong mùa sinh sản hay cảnh báo đối thủ cạnh tranh.
Một nai sừng tấm đực độ tuổi sung mãn ở dãy núi Rocky, Canada dùng khe mũi để tạo ra âm thanh với tiếng rít vang xa tới 1,6km, thông báo sự hiện diện của nó với những con cái.
Cùng lúc đó, một con cái lại phát ra một tiếng rống bằng yết hầu, thông báo kích cỡ và sức mạnh của nó với những con đực ở gần. Tiếng của nó càng trầm thì nó càng to và khỏe. Đó là cách để chúng “tán tỉnh” và kết đôi trong mùa sinh sản.
David lý giải hầu hết tiếng gọi của động vật đều được mã hóa trong ADN của chúng nhưng có những loài nâng cao “vốn liếng”.
Loài chim lia là một loài bắt chước tuyệt vời, chúng có thể bắt chước tiếng 20 loài chim khác nhau để tạo ra bản hòa nhạc của riêng mình, độc đáo để thu hút bạn tình.
Càng lớn lên, các khúc ca của nó càng trở nên phức tạp hơn và giúp nó thành công hơn trong việc chinh phục con cái.
Khi con người ngày càng thu hẹp không gian sống của chim lia, nó có thể bắt chước được nhịp điệu phố thị, từ tiếng còi ô tô báo động cho đến tiếng trập của máy ảnh, thậm chí là tiếng của một em bé đang khóc.
Nó giả tiếng càng điêu luyện thì càng thu hút được bạn tình và tăng cơ hội làm cha của thế hệ những “ca sĩ” bậc thầy của loài bắt chước kế cận.
Khi âm thanh trở thành cứu cánh của sinh tồn
Trong tập phim cuối cùng “Tìm kiếm giọng nói”, âm thanh của những loài động vật mới hoặc sắp chào đời là cách để chúng tồn tại, bởi đây là thời điểm nguy hiểm nhất.
Nhóm làm phim theo chân những con vật con sử dụng âm thanh để thông báo sự xuất hiện của mình, như cách những con cá sấu từ trong trứng tạo ra âm thanh để báo hiệu sắp chào đời.
Âm thanh cũng là cách những con non kết nối với cha mẹ để tìm kế sinh tồn trong thế giới tự nhiên. Câu chuyện thú vị về hồng hạc con tìm cha mẹ giữa đàn hồng hạc đông đúc 20.000 con ngoài khơi Yucatan, Mexico là một ví dụ qua những thước phim sống động.
Âm thanh ở đây cực kỳ chói tai, dù vậy lũ chim non vẫn trao đổi được âm thanh thân mật với cha mẹ bằng bản năng giống loài.
Sống giữa một thế giới đông đúc ầm ĩ và hỗn loạn như vậy, mạng sống của những con non rất nguy hiểm và sống sót phụ thuộc vào khả năng nhận ra tiếng cha mẹ chúng.
Mỗi con hồng hạc đều có một tiếng gọi riêng biệt, như một dấu vân tay bằng âm thanh. Nhờ thế, một gia đình hồng hạc gồm cha, mẹ và con có thể tìm thấy nhau giữa một đàn hồng hạc khổng lồ và giúp chúng thoát khỏi những cái bẫy của loài cá sấu sống dưới đầm phá.
Trong phần cuối này, câu chuyện đoàn tụ của hai cha con chim hồng hạc được máy quay kể lại như một hành trình tuyệt đẹp về tình phụ tử.
Dù những câu chuyện về thế giới tự nhiên hoang dã đã được nhà làm phim tài liệu bậc thầy này kể đi kể lại trong hàng loạt phim danh tiếng, Thế giới bí mật của âm thanh – loạt phim mới nhất của Sir David Attenborough – vẫn chinh phục được khán giả mọi lứa tuổi.
Lý do cùng sự tiến bộ của công nghệ là kiến thức sâu rộng về muôn loài giúp ông đem đến những câu chuyện “bí mật” về cách sử dụng âm thanh sinh tồn trong thế giới hoang dã…