Mùa hè này tiếp tục có phim điện ảnh thứ 43 – Doraemon: Nobita và bản giao hưởng Địa Cầu. Phim tiếp tục đứng đầu phòng vé Nhật Bản và Việt Nam, cho thấy đây vẫn là một thương hiệu bất bại trong lòng khán giả nhí và cả khán giả lớn thích hoài niệm tuổi thơ.
Nhưng phim cũng gây ra tranh luận ở Việt Nam, như có người cho rằng phim “nhạt nhẽo, chắp vá, rời rạc”, kịch bản không có điểm nhấn và cao trào.
[related_posts_by_tax title=""]Có người bảo vệ vì “phim cho trẻ con sao người lớn lại đánh giá là nhạt nhẽo?”.
Doraemon nhạt nhẽo hay chữa lành?
Dù Doraemon: Nobita và bản giao hưởng Địa Cầu không xúc động bằng các phần phim trước, hay “cốt truyện nhạt, xem buồn ngủ, hơi lãng xẹt”, thì phim vẫn quy tụ lượng khán giả trung thành ổn định.
Những người bênh phim cho rằng phần này nhẹ nhàng, chữa lành chứ không chú trọng kịch tính. Đã đến phần phim thứ 43, mô típ quen thuộc lặp đi lặp lại: Nobita hậu đậu gây ra vấn đề, Doraemon và cả nhóm hợp lực lên đường phiêu lưu, tìm cách giải quyết.
PHIM ĐIỆN ẢNH DORAEMON: NOBITA VÀ BẢN GIAO HƯỞNG ĐỊA CẦU – TRAILER | DKKC: 05.2024
Sự tin tưởng của khán giả là do nhiều năm nay các nhà làm phim Doraemon duy trì chất lượng nhất quán về kể chuyện, hình ảnh đồ họa và phát triển nhân vật.
Tất nhiên, chất lượng đó cần duy trì đồng đều chứ không thể đi xuống quá mức bởi nó sẽ kéo theo sự thụt lùi của thương hiệu.
Nhiều khán giả trung thành với Doraemon cũng kể ra những phần phim chiếu rạp hay vượt trội so với phần 43 nhiều như Chú khủng long của Nobita hay Nobita và chuyến thám hiểm Nam Cực.
Họ cho rằng Doraemon không chỉ dành cho trẻ con mà người trưởng thành vẫn tìm được nhiều bài học nhân văn, thấm thía và sâu sắc. Không phải ngẫu nhiên Doraemon trở thành biểu tượng văn hóa đại chúng chứ không chỉ là nhân vật truyện tranh nổi tiếng.
Với doanh thu khổng lồ so với thể loại anime như vậy (hiện Doraemon 43 đã thu 27,5 triệu USD từ thị trường Nhật Bản và Việt Nam), dự báo thương hiệu này sẽ vẫn khai thác tiếp phiên bản chiếu rạp.
Trong mắt một số khán giả, việc các thương hiệu cứ liên tục ra phần mới trong khi nội dung không thực sự mới và đột phá bị coi là “vắt sữa”.
Thương hiệu hoạt hình Thám tử lừng danh Conan liên tiếp bị phản ứng trong hai năm qua vì “bịa” thêm các tình tiết “vắt sữa” như Haibara hôn Conan hay Conan và Kaito Kid là anh em họ.
Cũng mang tiếng “vắt sữa” là các thương hiệu hoạt hình Hollywood nổi tiếng như Kung Fu Panda với phần 4 vừa ra mắt, Toy Story, Frozen, The Lion King, Shrek… Lý do chủ yếu là phần mới nhất không có gì đột phá.
Khi Hollywood loay hoay với việc đưa các thương hiệu mới trở nên nổi tiếng và hút khách, các thương hiệu ăn khách cũ vẫn sẽ tiếp tục được khai thác, từ hậu truyện, tiền truyện đến câu chuyện riêng về từng nhân vật ăn khách trong series…
Phim thiếu nhi ăn khách có thể thành kinh điển?
Bên cạnh việc những thương hiệu nhượng quyền lớn ra hàng loạt các phần tiếp theo và thu lợi nhuận, câu hỏi đặt ra là phim cho thiếu nhi ngày nay có đủ chất lượng để lại những tác phẩm kinh điển như thời trước?
Tuần này, The Garfield Movie – bộ phim hoạt hình riêng lẻ về chú mèo Garfield nổi tiếng – dẫn đầu phòng vé Mỹ. Mặc dù vậy, phim nhận phản hồi khá tiêu cực, bị chấm điểm thấp trên các trang đánh giá phim.
The Hollywood Reporter cho rằng phim không trung thành với hình tượng chú mèo Garfield trong truyện tranh gốc của tác giả Jim Davis. Nếu bản gốc của Garfield mê ăn pizza, lasagna hay nói dối và mỉa mai thì bản điện ảnh biến chú mèo thành nhân vật hành động theo phong cách Mission: Impossible.
Trang Movie Marker viết về Kung Fu Panda 4: “Thật không may, Kung Fu Panda 4 lại có cảm giác như một phần phim kém ấn tượng và không cần thiết trong một loạt phim đáng lẽ phải dừng lại sau phần 3 xúc động”.
Khi bộ phim đang chiếu, những hình ảnh và tình tiết hài hước, ấn tượng “viral” trên mạng xã hội lại là từ phần 2 của loạt phim.
Còn Toy Story 4, phần mới nhất và có thể là cuối cùng của loạt phim hoạt hình kiệt tác, cũng bị cho là phá vỡ tổng thể đẹp của ba phần trước đó với cái kết viên mãn.
Một khán giả bình luận trên BuzzFeed rằng phim quá chú trọng lôi kéo nhóm khán giả thế hệ Y đời cuối và gây cảm giác thao túng về mặt cảm xúc. Các nhân vật phụ được yêu mến đều bị gạt sang một bên để lấy đất diễn cho Woody và Bo Peep, kể cả Buzz cũng thụt lùi.
Câu trả lời tạm thời là các phim thiếu nhi mới, những phần tiếp theo từ các thương hiệu lớn vẫn sẽ ăn khách trong thời gian tới, thu hút khán giả nhí thế hệ mới.
Nhưng nếu không giữ vững chất lượng, đột phá sáng tạo thì chưa chắc những phim ăn khách này có thể đứng vào hàng ngũ phim thiếu nhi kinh điển như tác phẩm gốc hay các phần trước đó.
Chiếu 5 tựa phim của Ultraman từ 1-6
Theo thỏa thuận với Tsuburaya Productions, từ 1-6, chuỗi năm siêu phẩm Ultraman (hay còn gọi là Siêu nhân điện quang) gồm: Ultraman Z, Ultraman Trigger, Ultraman Decker, Ultraman Blazar và Ultraman Arc sẽ được chiếu lần lượt trên FPT Play.
Đây là năm trong số các tựa phim đáng chú ý nhất của thương hiệu phim trong kỷ nguyên Lệnh Hòa (Reiwa). Trong đó, đáng kể nhất là Ultraman Arc, dự kiến phát vào 6-7, nhân dịp kỷ niệm 15 năm ra mắt Ultraman Zero – tiền thân của dòng Ultraman thế hệ mới.
Theo Tsuburaya Productions, Việt Nam là một trong nhiều quốc gia chiếu song song phần mới nhất của thương hiệu này. Ra đời cách nay gần 60 năm, Ultraman vẫn chưa hết độ hot.
Ở Việt Nam, series này bắt đầu nổi lên như một hiện tượng vào những năm 1990, tới nay fan của Ultraman vẫn không ngừng tăng.